Nhìn cánh đồng gần 100 ha hồ nuôi tôm vùng triều ở xã Tịnh Hòa (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bỏ hoang, hàng trăm hộ dân phải chuyển sang làm nghề khác để kiếm sống. Vì sao nhân dân Tịnh Hòa bỏ nghề nuôi tôm ?
Xã Tịnh Hòa được thiên nhiên ưu đãi với địa hình thuận lợi để phát triển kinh tế (trước sông, sau lạch và vùng giữa là đồi rừng). Vùng đông của xã nằm gần cảng Sa Kỳ, với diện tích hàng trăm ha (trong đó có gần 100 ha hồ nuôi tôm), cho nên phát triển nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi. Từ sau năm 1998, con tôm có giá nên nhiều hộ ở xã Tịnh Hòa bắt đầu chuyển sang đắp hồ nuôi tôm. Một số hộ giàu lên nhanh chóng từ nghề nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Thế là nghề nuôi tôm ở đây phát triển nhanh chóng. Hàng trăm hộ dân ở hai thôn Xuân An và Ðông Hòa đã vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi tôm. Nhiều diện tích sản xuất lúa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn lập tức đã chuyển sang làm hồ nuôi tôm. Có hộ đã thuê cả máy đào để đắp hồ nuôi tôm. Nhiều gia đình đã có của ăn của để cũng nhờ nuôi tôm.
Tuy nhiên, ba năm gần đây, nghề nuôi tôm ở Tịnh Hòa mai một dần. Nhiều người bỏ nghề đi làm thuê kiếm sống. Có hộ lên đồi làm nghề xẻ đá cho doanh nghiệp. Số hộ có vốn kha khá thì tiếp tục san lấp hồ tôm chuyển sang sản xuất muối, nhưng cũng là hình thức tự phát, manh mún nên hiệu quả kinh tế không cao. Hiện toàn xã có gần 100 ha hồ tôm bỏ hoang, với gần 496 hộ bỏ nghề (trong đó thôn Xuân An 349 hộ và thôn Ðông Hòa 147 hộ). Hậu quả là hàng trăm lao động thất nghiệp và số tiền các hộ nuôi tôm không có khả năng trả nợ vay ngân hàng lên đến hàng tỷ đồng. Hộ nợ nhiều đến nay đã hơn một trăm triệu đồng, người nợ ít nhất cũng không dưới mười triệu đồng. Anh Phạm Phú, ở thôn Xuân An, một chủ hộ có kinh nghiệm nuôi tôm trong nhiều năm nói: Mặc dù là người đi đầu trong phong trào nuôi tôm vừa qua, với hai hồ nuôi tôm thường đạt năng suất cao, có lãi, nhưng hiện nay do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nên không thể tiếp tục làm nghề nuôi tôm. Anh đang đầu tư chuyển sang làm muối và nuôi cá nước lợ.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi chung quanh vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Hòa, Nguyễn Duy Thiêng cho biết: Liên tiếp trong ba năm gần đây, nhiều hộ nuôi tôm đã thất bại phải chuyển sang làm nghề khác để ổn định cuộc sống gia đình. Nguyên nhân chính là do cơ sở cung cấp tôm giống kém chất lượng dẫn đến nhiều vụ nuôi đã xảy ra dịch bệnh, tôm chết hàng loạt. Giá cả đầu ra của con tôm cũng không ổn định, thường xuyên bị tư thương ép giá. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn kênh, mương, cống lấy nước vào hồ tôm đã hư hỏng, bà con không có khả năng đầu tư cải tạo nâng cấp. Hàng trăm ha hồ tôm nằm gần cảng Sa Kỳ bị ô nhiễm về nguồn nước. Bởi phần lớn rác thải ở khu dân cư thôn Ðịnh Tân và xăng, dầu rò rỉ từ hàng trăm chiếc tàu, thuyền đánh cá mỗi ngày cập cảng đã trôi tấp vào vùng nuôi ngày càng nhiều, làm ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường vùng nuôi tôm. Vì vậy đã khiến cho hàng trăm hộ nông dân phải bỏ nghề nuôi tôm. Một số người thấy ruộng bỏ hoang không đành tiếp tục vay vốn của người thân để cải tạo hồ tôm sang làm muối với hy vọng tạm ổn định cuộc sống. Còn Trưởng Ban kiểm soát HTX nuôi trồng thủy sản Tịnh Hòa Nguyễn Minh Cảnh bức xúc nói: Cũng thời điểm này cách đây vài năm, trên cánh đồng này người nuôi tôm qua lại đông vui. Có người thu hoạch tôm "trúng lớn" phấn khởi là khao nhau thâu đêm, suốt sáng. Còn bây giờ nhiều hộ vay vốn ngân hàng quá hạn rồi mà không sao trả nợ được đành bỏ nghề.
Ðể khắc phục tình trạng nguồn nước bị ô nhiễm nặng không thể tiếp tục đầu tư nuôi tôm, UBND xã Tịnh Hòa đã có công văn gửi UBND huyện Sơn Tịnh và các ngành liên quan của tỉnh đề nghị tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng vùng nuôi tôm Tịnh Hòa để có hướng đầu tư sản xuất, trong đó Dự án cải tạo vùng nuôi tôm đang bỏ hoang, thành vùng ruộng chuyên canh sản xuất muối công nghiệp chất lượng cao. Nếu dự án này trở thành hiện thực thì sẽ giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động ở địa phương và gần 400 hộ được chuyển đổi ngành nghề bảo đảm ổn định cuộc sống.