Quảng Nham (Thanh Hoá) nỗ lực thoát nghèo
Được đăng : 03/11/2016
Là một xã thuần ngư, Quảng Nham (huyện Quảng Xương) hầu như không có diện tích sản xuất nông nghiệp. Gần 14.000 dân trong xã trong đó có khoảng 6.200 lao động sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản và dịch vụ thương mại.
Cũng như các vùng bãi ngang khác, một thời gian dài cơ sở hạ tầng của xã ít được đầu tư xây dựng; trình độ dân trí thấp, lại ở vào vị trí “đầu sóng, ngọn gió”, thường xuyên bị thiên tai, bão lũ nên đời sống của nhân dân luôn khó khăn, mặt bằng kinh tế, xã hội thấp hơn các địa phương khác trong vùng.Để từng bước giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, Quảng Nham đã thực hiện tương đối đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế. Đến nay, xã được đánh giá là địa phương thực hiện tương đối tốt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và có mức tăng trưởng khá.
Mặc dù không còn hộ đói nhưng trong những năm từ 2006 trở về trước Quảng Nham luôn là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Quảng Xương. Người dân quanh năm bám biển, chạy chợ nhưng đời sống nhiều hộ dân vẫn quẩn quanh với cái nghèo. Nghề đánh bắt cũng chỉ mới dừng lại ở “ven bờ” chưa có điều kiện để vươn khơi. Nghề nuôi trồng càng khó khăn hơn khi người dân chưa đủ trình độ và nguồn vốn đầu tư. Các hoạt động thương mại, hậu cần nghề biển phát triển chưa mạnh, khi hạ tầng giao thông còn thấp kém. Những khó khăn trên đã trở thành lực cản, kìm hãm sự phát triển của địa phương trong thời gian dài. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa 19, Quảng Nham xác định phải tập trung phát triển mạnh mẽ cơ sở hạ tầng để phục vụ sản xuất và đời sống gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, kêu gọi các nguồn vốn và xây dựng các mô hình kinh tế trên địa bàn xã. Do làm tốt công tác dân vận, xã đã huy động được tối đa nguồn lực trong nhân dân để cùng với các nguồn vốn khác đầu tư cơ sở hạ tầng. Nếu như trong các năm trước đây mỗi năm toàn xã mới chỉ huy động được 40 triệu đồng/năm từ nhân dân thì năm 2007 mức huy động đã đạt trên 400 triệu đồng. Từ chỗ cơ sở hạ tầng thấp kém, đến nay Quảng Nham đã có hơn 30% tổng số đường giao thông trong xã được nhựa hóa, 4 trạm điện đủ sức phục vụ sinh hoạt và sản xuất, 1 trường THCS, 2 trường tiểu học được đầu tư xây dựng cao tầng, 2 trạm y tế nhằm phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho bà con nhân dân. Đây được xem là những điều kiện có tác động hết sức tích cực đến nhận thức cũng như quá trình đầu tư sản xuất của nhân dân trong xã. Ngoài những nghề truyền thống gắn liền với điều kiện tự nhiên, xã còn mạnh dạn đào tạo cho trên 200 lao động làm nghề thêu ren xuất khẩu, tổ chức cho 100 người đi lao động xuất khẩu có thời hạn ở nước ngoài, tập trung khôi phục lại nghề làm nước mắm truyền thống Cự Nham. Đặc biệt, để nâng cao năng lực sản xuất nghề biển, xã đã mở nhiều lớp tư vấn về khai thác hải sản, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho người dân. Năm 2007, tổng thu nhập toàn xã đạt gần 60 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4,2 triệu đồng/năm. Với 218 phương tiện đánh bắt hải sản và nhiều tổ hợp chế biến đã có hàng ngàn lao động trong xã được giải quyết việc làm thường xuyên tại chỗ với thu nhập khá. Hiện nay tổng nguồn dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn xã đã đạt 15,3 tỷ đồng, được nhân dân vay đầu tư cho phát triển sản xuất; riêng việc đầu tư cho phương tiện đánh bắt, khai thác mỗi năm cũng đã trên 1 tỷ đồng. Cũng bằng nguồn huy động từ nhân dân và ngân sách Nhà nước, trong 2 năm 2006 và 2007 trên địa bàn xã đã có trên 160 nhà tranh tre, tạm bợ được xóa; riêng năm 2007 có 62 hộ thoát nghèo.
Được biết, những kết quả trên bắt nguồn từ sự đoàn kết, thống nhất cao và phương pháp chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của cấp ủy và chính quyền xã. Bên cạnh đó là việc tập trung lắng nghe ý kiến nhân dân và thực hiện quy chế dân chủ trong thực hiện mọi nhiệm vụ ở địa phương. Vùng bãi ngang Quảng Nham hôm nay đã có nhiều đổi khác, đường làng ngõ xóm khang trang hơn, nhà cao tầng, nhà ngói đang dần thay thế cho những mái nhà tranh, nhà kè vốn dĩ gắn bó lâu đời với người dân miền biển. Khi vụ cá nam đang đến gần, không khí trong xã lại nhộn nhịp hơn với những hoạt động chuẩn bị cho mùa đánh bắt. Mặc dù đã có những khởi sắc đáng mừng nhưng để thực sự thoát được nghèo, Quảng Nham vẫn còn nhiều việc để làm, bởi theo thống kê tỷ lệ hộ nghèo trong xã vẫn còn ở mức 40%. Hiện nay, xã đang tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và tập trung cho phát triển kinh tế biển. Đối với khai thác, chế biến và nuôi trồng, Quảng Nham chỉ đạo tăng cường đầu tư để khai thác xa bờ, bảo quản sản phẩm gắn với chế biến và lưu thông, mở rộng thị trường, làm tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá. Năm 2008 được xác định là năm hoàn thành toàn bộ hệ thống đường giao thông chính, hoàn thành công trình cảng cá gắn với việc quan tâm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo tiền đề cơ bản để Quảng Nham phát huy nội lực, tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo.