00:00 Số lượt truy cập: 3235641

Quảng Ninh: Chất lượng nguồn giống và nỗi lo của người nuôi tôm 

Được đăng : 03/11/2016
Với những tiềm năng lớn trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, hàng năm, toàn tỉnh Quảng Ninh thả nuôi trên dưới 1,5 tỷ con tôm giống các loại, nguồn giống cung cấp cho các cơ sở nuôi chủ yếu từ Trung Quốc và các tỉnh miền Trung.

Thực tế trong nhiều năm qua, nguồn giống không ổn định cả về số lượng và chất lượng đang là nỗi lo của người nuôi tôm.

“Tôm ngoại” lấn át “tôm nội”

Những năm trước, trên địa bàn Quảng Ninh có 10 trại sản xuất tôm giống với công suất thiết kế khoảng 100 triệu con giống/năm/trại. Nhưng thực tế trong thời gian qua, tổng số giống của cả 10 trại chỉ sản xuất được khoảng trên dưới 400 triệu con tôm giống/năm, đáp ứng khoảng 25 - 30% nhu cầu giống tôm thả nuôi trong tỉnh, số còn lại phải nhập từ Trung Quốc và các tỉnh ngoài. Đến nay, toàn tỉnh còn 5 trại đang sản xuất tôm giống thì 1 trại sản xuất ra để thả nuôi (Công ty Đầu tư sản xuất Hạ Long), còn lại 4 trại chỉ sản xuất cầm chừng, số lượng ít, chất lượng không ổn định, tiêu thụ kém. Trong khi các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thì nguồn giống từ bên ngoài lại hấp dẫn người nuôi tôm từ số lượng, giá cả… Thị trường tôm giống ở Đông Hưng (Trung Quốc) rất sôi động với giá từ 10 - 50 đồng/con tuỳ vào chất lượng. Bên cạnh đó, nguồn tôm giống cung cấp cho Quảng Ninh còn có một lượng lớn từ các tỉnh phía Nam như Khánh Hoà, Đà Nẵng, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận… Nhìn chung nguồn tôm giống này có chất lượng tương đối ổn định, giá cả hợp lý. Tuy nhiên, vận chuyển xa ảnh hưởng đến chất lượng tôm, một số cơ sở nuôi trước lúc thả giống thường có kế hoạch đến các trại giống để khảo sát và đặt hàng, nên việc đi lại khó khăn và tốn kém chi phí.

Bất cập trong công tác quản lý

Quảng Ninh chưa quy hoạch vùng sản xuất kinh doanh giống tập trung nên các trại giống xây dựng phân tán, tự phát và chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; cơ sở hạ tầng xuống cấp và đã lạc hậu về công nghệ, trang thiết bị. Nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất tôm giống sạch bệnh. Công tác kiểm dịch tôm giống còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, việc khai báo kiểm dịch trước khi xuất bán chưa được các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm túc, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh giống vẫn không kiểm dịch hoặc kiểm dịch chỉ mang tính hình thức. Hơn nữa, một số bộ phận nhân viên kỹ thuật trong các trại sản xuất giống không có chứng nhận chuyên môn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống chưa công bố tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm không nhãn hiệu bao bì; không đăng ký đảm bảo vệ sinh môi trường; chất lượng giống sản xuất ra chưa đảm bảo; việc kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn điều kiện kinh doanh giống chưa được quan tâm đúng mức nên ý thức chấp hành của người dân chưa cao.

Thế nhưng, nguồn nhân lực phục vụ việc quản lý cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, trang thiết bị máy móc thiếu, trong khi đó lượng giống nhập về quá lớn, từ nhiều nguồn khác nhau, địa bàn rộng và phức tạp, thiếu sự quan tâm phối hợp của các địa phương. Ngoài ra, còn có một bộ phận người nuôi tôm chưa chấp hành khuyến cáo về lịch thời vụ nuôi, lấy giống không rõ nguồn gốc, không kiểm tra chất lượng giống, thả nuôi tuỳ tiện. Mặt khác, Trạm kiểm dịch Thuỷ sản được đặt ở vị trí chưa thích hợp để kiểm soát chất lượng giống nhập vào tỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý giống trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, hàng năm Quảng Ninh chỉ kiểm dịch, kiểm soát được khoảng 30 - 40% lượng giống thả nuôi. Đây là một bất cập mà các cấp, ngành, địa phương cần quan tâm tháo gỡ.

Cần một giải pháp đồng bộ

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lưu Văn Dần, Chi Cục phó Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Quảng Ninh cho biết: “Hàng năm, bước vào đầu vụ nuôi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các trại sản xuất chuẩn bị tốt nguồn nước, nguồn giống bố mẹ, kỹ thuật sản xuất; bám sát lịch thời vụ xuống giống của từng địa phương, tăng cường nâng cao chất lượng giống tốt, uy tín tốt, dịch vụ tốt và giá cả phải hợp lý để ngày càng mở rộng thị trường và đáp ứng nhu cầu con giống hiện nay. Đồng thời tích cực kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, các cơ sở nuôi trồng thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, việc thực hiện những chỉ đạo này của các cơ sở sản xuất giống chưa đầy đủ so với yêu cầu”.

Vì vậy, để nâng cao chất lượng con giống, tỉnh cần triển khai quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động sản xuất giống, tăng cường quản lý về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thuỷ sản, cần khắc phục hoặc xử lý đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện. Đồng thời, hướng dẫn chính quyền cơ sở thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn.