Anh Chíu Quay Sồi ở thôn Đồng Và, xã Yên Than, một trong những người làm giàu từ nghề ươm cây giống tâm sự: Trước đây gia đình rất khó khăn, nguồn thu chủ yếu trông vào 4 sào ruộng. Năm 2001, thực hiện chương trình giao đất rừng theo dự án PAM 5322 và dự án trồng rừng Việt Đức, anh đã nhận 1 ha đất vườn đồi để cải tạo thành vườn ươm. Những ngày đầu mới "vào nghề", đã có lúc anh Sồi tưởng như phải bỏ cuộc giữa chừng vì nhiều cây con sau hơn một tháng vẫn bị chết do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh. Với quyết tâm vừa làm vừa học hỏi và tham gia lớp tập huấn kỹ thuật do huyện mở, anh đã dần tích luỹ thêm kinh nghiệm, mở rộng quy mô diện tích vườn ươm. Hiện, gia đình anh Chíu Quay Sồi là một trong những hộ ươm cây với số lượng lớn nhất tại địa phương, với số cây giống mỗi năm ươm khoảng 10 vạn. Vườn ươm của anh Sồi chủ yếu là cây trám, thông, keo tai tượng, sa mộc. Tính theo giá thị trường, trung bình một cây lim, trám giống giá khoảng 1.000 đồng, hồi 600 đồng, keo 220 đồng/cây, trừ kinh phí anh Sồi thu về 50 triệu đồng tiền lãi/năm. Bên cạnh đó, anh còn tạo việc làm cho gần chục người địa phương, với mức thu nhập từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng. Từ khi có nguồn cung cấp cây giống ở huyện, bà con trong thôn, xã không phải mất nhiều thời gian đến tận các vườn ươm ở các địa phương khác để mua cây giống.
Nình A Sìn, người dân tộc Sán Chỉ, ở xã Đại Dực, người có 15 năm gắn bó với nghề ươm cây giống cho biết: Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cuộc sống của gia đình chỉ biết trông chờ vào mấy sào lúa. Khi thấy người dân xã Đại Dực thi nhau nhận đất trồng rừng theo các chương trình dự án của huyện, mà đường giao thông giữa thôn, xã xuống huyện lại rất khó khăn nên anh đã nảy sinh ý nghĩ ươm cây giống để cung cấp để cho bà con trong vùng đỡ vất vả đi lại. Mày mò mất cả năm trời, cuối cùng cây không phụ công người, gia đình anh đến nay cũng đã thu lãi 50 triệu đồng/năm.
Theo Phòng nông nghiệp huyện Tiên Yên: Để có một cây con sinh trưởng và phát triển tốt, người ươm cây phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là cắt hom từ cây chủ (một cây chủ cho thu hom trong 3 năm), nhúng chân hom vào thuốc kích thích để cây nhanh ra rễ, sau đó đến sàng đất, đóng bầu, cắm hom vào túi nilông. Đất tốt là loại đất mùn tơi xốp được người ươm cây mua từ rừng về. Hom cây qua xử lý thuốc được cắm vào bầu đất, bảo quản trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm trung bình, che dưới lưới phản quang, và phải tưới nước liên tục trong thời gian hơn một tháng. Khi cây cứng cáp được xếp ra ngoài trời thành từng luống, người ươm cây tiếp tục chăm sóc bằng cách bón phân NPK, tưới nước giữ ẩm. Quan sát thấy thân cây cứng cáp, lá xanh đậm, kiểm tra bầu rễ cây có màu trắng là dấu hiệu có thể xuất bán. Thời gian ươm một cây con từ lúc tỉa hom tới khi được bán trong vòng hai tháng. Theo chu kỳ như vậy, hầu như tuần nào, tháng nào các hộ gia đình làm nghề ươm ở Tiên Yên cũng có cây giống cung cấp cho khách hàng. Mùa ươm cây thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 5 năm sau, do vào khoảng thời gian đó ít mưa, nhiệt độ rất thích hợp để ươm một số loại cây trồng lâm nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tiên Yên, ngoài Công ty Lâm trường Tiên Yên chuyên làm nghề ươm cây giống lâm nghiệp, nhiều hộ ở các xã Đại Dực, Hà Lâu, Điền Xá, Đại Thành, Hải Lạng... cũng đang nhân rộng mô hình ươm cây giống, góp phần vào việc xoá đói, giảm nghèo cho bà con dân tộc vùng sâu vùng xa ở Tiên Yên.
Nhìn vườn ươm với hàng nghìn cây bạch đàn xanh mướt như thảm cỏ sắp xuất bán của gia đình anh Sồi, anh Sìn, như thắp lên niềm hy vọng đổi đời cho bà con dân tộc ở một trong những địa phương nghèo vào diện bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh.