00:00 Số lượt truy cập: 2662707

Quảng Ninh: Nuôi tu hài - bước đột phá mới trong nuôi trồng thủy sản Vân Đồn 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, nghề nuôi nhuyễn thể đang được tập trung phát triển trên địa bàn huyện Vân Đồn, đặc biệt là nghề nuôi tu hài. Toàn huyện hiện có gần 300 hộ nuôi nhuyễn thể thì có tới 200 hộ nuôi tu hài.


Đặc biệt ông Đỗ Hữu Tờ - tỷ phú nuôi tôm sú một thời của huyện Yên Hưng nói riêng và toàn miền Bắc nói chung cũng đã đến Vân Đồn khảo sát xin được cấp phép thành lập Công ty TNHH Đỗ Tờ để đầu tư nuôi tu hài tại đảo Bánh Sữa (xã Bản Sen, Vân Đồn) từ tháng 8-2006. Ông Tờ đã thực hiện thả nuôi 1ha tu hài bước đầu thành công với giá trị thu về gần 1 triệu USD. Hiện nay Công ty TNHH Đỗ Tờ đang thả nuôi 4 vạn lồng với trên 4 triệu con giống, tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng. Bằng kinh nghiệm của bản thân, ông Đỗ Hữu Tờ cho biết: So với nghề nuôi tôm sú thì nghề nuôi tu hài có nhiều ưu điểm vượt trội như làm sạch môi trường biển, ít rủi ro, đầu tư ít nhưng hiệu quả rất lớn. Nhưng để nghề nuôi tu hài được sản xuất đại trà trong nhân dân và trở thành một sản phẩm hàng hóa không chỉ phục vụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu, thì huyện cần phải có kế hoạch phát triển bền vững nghề này. Trước hết phải quy hoạch và bảo vệ tốt môi trường biển, nuôi có quy hoạch, không nuôi ồ ạt. Và quan trọng hơn cả là phải triển khai thực hiện nuôi có bài bản, đúng kỹ thuật, nhất là các khâu: Lọc giống (ảnh 1), sàng giống trước khi thả (ảnh 2) và xuống giống (ảnh 3). Nếu thực hiện các bước nuôi thả bài bản, kỹ thuật thì sau 8 tháng nuôi thả đã có thể “thu hoạch non” với số lượng từ 12 - 15 con/kg (ảnh 4).

Song, để thương phẩm tu hài trở thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Vân Đồn phải cùng vào cuộc, từ khâu tuyên truyền, quảng bá đến việc đầu tư phát triển nuôi trồng. Có như vậy nhiều người dân sẽ thoát nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu, góp phần tích cực trong việc tăng trưởng kinh tế và giữ gìn, bảo vệ môi trường biển của huyện.