Điều kiện tự nhiên thuận lợi đã cho Quảng Ninh lợi thế phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản trên cả 3 loại hình mặt nước (mặn, ngọt, lợ) và lợi thế này đang ngày càng được phát huy với năng suất, sản lượng nuôi trồng tăng. Tuy nhiên, giá trị thực mà người nuôi thuỷ sản thu được không đáng là bao bởi các chi phí cho phần “hậu cần” quá tốn kém. Nhìn thấy điểm yếu này nhưng để tìm được lời giải thì vẫn là bài toán khó.
Vào chính vụ là thiếu con giống
Chỉ tính riêng năm 2008 diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh đã đạt tới gần 17.000 ha, sản lượng đạt 24.210 tấn, trong đó: nuôi tôm 10.500 ha, nuôi nhuyễn thể 2.000 ha, nuôi cá nước ngọt trên 3.000 ha, chưa kể khoảng 1.000 ha ao, đầm rào chắn và trên 7.000 ô lồng nuôi cá biển. Phát triển mạnh mẽ là vậy nhưng các khâu hậu cần cho nghề nuôi như cung ứng con giống, thức ăn, tiêu thụ sản phẩm vẫn đang bị bỏ ngỏ. Trên địa bàn tỉnh hiện có 15 cơ sở sản xuất con giống thuỷ sản nhưng lại chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của người nuôi. Phần lớn số con giống vào chính vụ thả nuôi là phải nhập từ tỉnh ngoài và từ Trung Quốc, nguồn cung không được ổn định và chất lượng chưa đảm bảo. Ngay bản thân các cơ sở sản xuất con giống nhiều khi cũng chỉ là điểm ương nuôi lại con giống của các cơ sở Trung Quốc bán cho người nuôi. Năm 2008, toàn tỉnh sản xuất được 642 triệu con giống các loại, trong đó 490 triệu con tôm giống, 66 triệu con cá nước ngọt, 40 triệu con trai cấy ngọc, 46 triệu con giống loại khác… Trong khi đó nhu cầu của người nuôi cần gấp nhiều lần, nhất là giống tôm. Một chủ đầm nuôi trồng thuỷ sản ở Yên Hưng than thở: “Cứ gần đến vụ là chúng tôi lại phải chạy đôn chạy đáo tìm điểm mua con giống chất lượng. Các trại tôm giống ở trên địa bàn nhiều nhưng cũng có trại chủ yếu là ương lại tôm post của các trại bên Trung Quốc mà mình đã mua lại của họ thì đã đến thế hệ tôm thứ bao nhiêu rồi chẳng thể biết được nên rất ngại. Chúng tôi thường đặt mua tôm giống từ miền Trung và miền Nam đem ra, chi phí có đắt đỏ hơn nhưng mà chất lượng khá đảm bảo”. Do đặc thù mùa vụ thả nuôi tôm ở tỉnh tập trung trong khoảng thời gian hơn 1 tháng (từ tháng 3 đến tháng 4) đây là thời điểm nhu cầu con giống rất cao, các trại sản xuất giống phải hoạt động hết công suất vẫn không đủ cung ứng ngay tại địa bàn. Hết tháng chính vụ này thời điểm còn lại trong năm hầu như các trại sản xuất không hoạt động vì vậy các chủ trại giống có tâm lý không muốn đầu tư.
Cũng ở vào tình cảnh khan hiếm con giống nhưng nghề nuôi nhuyễn thể và nuôi biển đang phát triển rầm rộ những năm gần đây lại còn khốn khổ hơn vì trên toàn tỉnh chẳng có trại sản xuất con giống nào cho tương xứng với tốc độ phát triển về diện tích nuôi như hiện nay. Nếu không thu mua được con giống tự nhiên thì người nuôi đành phải mua giống từ Trung Quốc đưa về và vẫn lại chuyện chất lượng con giống không đảm bảo, khả năng rủi ro trong quá trình nuôi ngày càng lớn. Điển hình như nuôi trai cấy ngọc mặc dù trong nước đã sản xuất được con giống nhưng do giá thành cao nên các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phải nhập trai cám có kích thước từ 0,2-0,5cm từ Trung Quốc về ương nuôi thành trai nguyên liệu cỡ 5-7cm phục vụ cho việc nuôi cấy ngọc. Tuy nhiên, nguồn cung này lại không ổn định và chất lượng chưa đảm bảo. Đối với nuôi tu hài do số lượng hộ tham gia nuôi vài năm gần đây tăng nhanh nên việc sản xuất con giống không thể đáp ứng. Rồi các đối tượng nuôi khác như ốc, nghêu cũng đều ở vào tình cảnh này. Còn nhớ trước đây người dân Vân Đồn đã từng tham gia thả nuôi ốc hương - một đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao nhưng vì khó khăn về con giống và khâu chăm sóc nên đến nay đối tượng nuôi này không còn được đón nhận hào hứng nữa. Rồi nuôi hàu - một đối tượng nuôi mới nhưng cũng chỉ có doanh nghiệp thả nuôi bởi người dân không tìm được nguồn cung về con giống.
Nuôi nước ngọt vài năm gần đây khá phát triển, một số địa phương đã và đang đẩy mạnh việc chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản. Toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 1.000 ha, ngoài các đối tượng nuôi truyền thống như cá mè, trắm, chép người nuôi còn đang phát triển thêm các đối tượng nuôi mới như rô phi lai xa, tôm càng xanh… Tuy nhiên, các trại sản xuất giống cá nước ngọt tập trung chủ yếu ở khu vực miền Tây nên ảnh hưởng đến khả năng cung cấp con giống kịp thời vụ cho nông, ngư dân các huyện miền núi. ở các địa phương này người nuôi thuỷ sản chủ yếu mua giống thông qua những chủ buôn dẫn đến chất lượng con giống cũng không đảm bảo.
Khu nuôi cá lồng bè của ngư dân xã Thắng Lợi (Vân Đồn)
Hơn 17.000 ha diện tích được đưa vào nuôi trồng với hàng ngàn hộ nông, ngư dân tham gia nuôi trồng thuỷ sản nhưng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. 14/14 huyện, thị xã, thành phố đều đã cơ bản hoàn thành quy hoạch phát triển thuỷ sản nhưng điều chỉnh sao cho phù hợp thực tế phát triển lại rất chậm. Tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở hạ tầng vùng nuôi nhưng so với nhu cầu vẫn còn quá hạn chế, đầu tư còn dàn trải. Nhiều vùng nuôi sau nhiều năm sử dụng cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nhưng lại không được đầu tư sửa chữa một cách đồng bộ dẫn đến tăng nguy cơ suy thoái môi trường và rủi ro cao cho người nuôi. Diện tích nuôi trồng lớn nhưng cả tỉnh chưa có một cơ sở nào sản xuất thức ăn, hoá chất, chế phẩm sinh học. Tất cả số nguyên liệu phục vụ cho nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh hiện nay được nhập từ tỉnh ngoài hoặc nước ngoài về và thu mua tự nhiên. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất và đội giá thành sản phẩm của người nuôi. Và cũng chính từ nguồn thức ăn không đảm bảo và quy hoạch vùng nuôi không rõ ràng nên nguy cơ sản phẩm thuỷ sản không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là rất cao.
Đồng chí Cao Tuy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Đúng là công tác kỹ thuật phục vụ cho phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản hiện đang còn nhiều bất cập. Việc quản lý, chỉ đạo hoạt động nuôi trồng, sản xuất con giống từ tỉnh đến địa phương chưa bao quát kịp thời, đôi khi còn mang tính hình thức và chồng chéo. Hoạt động quan trắc và cảnh báo môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do lực lượng cán bộ quản lý mỏng trong khi địa bàn lại quá rộng nên không thể kiểm soát được hết chất lượng con giống và thức ăn, chế phẩm sử dụng trong nuôi trồng. Việc hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông, ngư dân cũng không thể bao quát được hết, trong khi đó nhận thức về an toàn kỹ thuật nuôi trồng của bà con hạn chế”.
Tiêu thụ sản phẩm - Vẫn chưa thông thoát
Là một trong những tỉnh trọng điểm về nghề cá khu vực phía Bắc, có tổng sản lượng thuỷ sản hàng năm cao nhưng quá trình tiêu thụ sản phẩm của bà con nông, ngư dân phần lớn phụ thuộc vào mạng lưới “đầu nậu”. Do nuôi trồng mang tính thời vụ, khi thu hoạch thường tập trung vào khoảng thời gian ngắn, lượng sản phẩm lớn nên chuyện bị ép giá vào thời điểm chính vụ năm nào cũng xảy ra. Người nuôi lại quá lạm dụng thuốc kháng sinh, hoá chất và sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc trong nuôi thuỷ sản đã dẫn đến sản phẩm làm ra không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chủ đầu nậu thu mua lại sử dụng các chất bảo quản không rõ nguồn gốc trong quá trình vận chuyển từ nơi thu mua đến nhà máy chế biến, vì vậy sản phẩm khi xuất khẩu lại vấp phải rào cản về kỹ thuật. Năm qua các nhà máy chế biến gặp rào cản phi thuế quan dẫn đến thị trường xuất khẩu bị thu hẹp và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển nghề nuôi trên địa bàn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có một số nhà máy chế biến sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu nhưng do hệ thống thu mua của các nhà máy chưa tốt, giá thu mua thấp hơn so với tư thương. Các cơ sở chế biến lại phân bố không phù hợp theo tuyến sản xuất và vùng nguyên liệu, chủ yếu tập trung ở Hạ Long, Vân Đồn và Yên Hưng nên không đáp ứng được yêu cầu giải quyết đầu ra cho cả khai thác và nuôi trồng. Các địa phương quy hoạch được vùng nuôi nhưng vào thời điểm thu hoạch rộ không có nơi tiêu thụ gây khó khăn cho người sản xuất và hạn chế sự phát triển của nghề nuôi trồng. Điển hình như nuôi tu hài ở huyện Vân Đồn, năm 2008 tổng sản lượng thu hoạch trên toàn huyện đạt khoảng 800 tấn tu hài thương phẩm nhưng vì đầu ra không ổn định nên giá tu hài đã giảm nhiều so với những năm trước. Mặc dù phong trào đang phát triển rất rầm rộ không chỉ trên địa bàn huyện Vân Đồn mà còn lan toả sang các địa phương khác nhưng người nuôi cũng bắt đầu thấy băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm. Tạo sự đồng bộ để thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững vẫn là bài toán đang cần tìm lời giải.