00:00 Số lượt truy cập: 3234346

Quảng Ninh: Phát triển thuỷ sản ở Vân Đồn - “Vào - ra” chưa có quy trình 

Được đăng : 03/11/2016

Với lợi thế đa dạng các vùng sinh thái, những năm qua, hàng loạt mô hình nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn (Quảng Ninh) được hình thành, nổi bật như: cá lồng bè trên biển, tôm, cua, tù hài... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân. Đồng thời cùng với nuôi trồng và đánh bắt, Vân Đồn đang chú trọng phát triển tuyến du lịch biển tạo sự bứt phá đồng bộ toàn diện về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc gắn kết giữa sản xuất với thị trường tiêu thụ thủy sản ở địa phương vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.


Lợi thế đã được phát huy

Nuôi cá lồng bè - một trong những thế mạnh phát triển thuỷ sản của huyện Vân Đồn.

Trong một chuyến đi thực tế tới các xã đảo ở Vân Đồn gần đây, chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự phát triển nhanh và hiệu quả của các mô hình nuôi trồng thuỷ sản. Từ năm 1996, nghề nuôi lồng bè mới đạt ở qui mô nhỏ tại một số hộ gia đình ở thị trấn Cái Rồng. Tuy nhiên, sau đó một thời gian đã phát triển thành phong trào trên diện rộng. Nhiều hộ nuôi thu nhập trung bình từ 35 - 50 triệu đồng/năm. Đời sống của người dân theo đó được cải thiện rất nhiều. Đối tượng nuôi chủ yếu tập trung vào các loại mang lại hiệu quả kinh tế lớn như cá song, cá hồng, cá giò, cá chim biển... Bên cạnh nghề nuôi cá lồng bè thì nuôi nhuyễn thể đang là thế mạnh của Vân Đồn. Lĩnh vực này đang được huyện chú trọng đầu tư. Đặc biệt là con tu hài, với tỷ lệ sống đạt khoảng 95%, tốc độ sinh trưởng nhanh, không phải đầu tư lớn được xác định là hướng làm giàu của người dân Vân Đồn. Đặc biệt, việc mở rộng phát triển nuôi tu hài trên diện rộng không ảnh hưởng đối với môi trường biển. Theo thống kê của huyện, 9 tháng đầu năm toàn huyện đã thu hoạch được 2.600 tấn thuỷ sản nuôi trồng. Hiện nay toàn huyện có 2.600 ha nuôi trồng thuỷ sản, tăng 150 ha so với cùng kỳ năm 2008. Các cơ sở nuôi tu hài, hầu biển, cá lồng bè… đã đạt hiệu quả kinh tế cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân, khách du lịch và xuất khẩu.

Phát huy lợi thế bãi triều rộng, chất lượng môi trường nước tốt thích hợp cho các loại nhuyễn thể phát triển, các hộ nuôi đã tập trung đầu tư củng cố và mở rộng cơ sở. Riêng nuôi tu hài, 9 tháng đầu năm toàn huyện đã có trên 420 hộ gia đình và 4 công ty thả nuôi được trên 14 triệu con giống cấp 2. Vừa qua, huyện đã tổng kết 2 năm nuôi nhuyễn thể trên địa bàn và đi tới khẳng định việc phát triển nuôi nhuyễn thể của Vân Đồn đạt hiệu quả kinh tế cao, gìn giữ môi trường biển, tạo việc làm cho nhân dân. Đặc biệt, phong trào nuôi thuỷ sản nói chung và nuôi nhuyễn thể nói riêng đã góp phần xoá đói giảm nghèo mạnh mẽ tại các xã đảo Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen… Theo tính toán của các hộ nuôi thì một lồng chứa có từ 30 tới 35 con tu hài, nếu bán theo giá thị trường hiện tại 150.000 đồng/1kg, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được khoảng từ 100.000 đến 150.000 đồng/lồng.

Nhưng sản xuất vẫn chưa gắn với thị trường

Thế mạnh là vậy, song tồn tại lớn nhất của Vân Đồn hiện nay là chưa xây dựng được vùng nguyên liệu thủy sản tập trung gắn với thị trường tiêu thụ. Theo các hộ nuôi thì nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thiếu hụt nguồn giống bảo đảm chất lượng đối với những loài nuôi như: tôm sú, tôm he chân trắng, cá bớp, tu hài... phải nhập từ miền Trung hay Trung Quốc về, trong khi các cơ sở sản xuất giống tại chỗ chỉ đáp ứng được 15 - 20% nhu cầu. Đơn cử như nuôi tu hài của huyện, mỗi năm, các cơ sở ươm nuôi giống mới cung cấp được 0,5 triệu con tu hài giống cấp 1 cho các hộ nuôi. Chi phí tăng cao, hiệu quả nuôi giảm và thị trường tiêu thụ không ổn định nên người nuôi thường xuyên gặp cảnh “được mùa - mất giá”.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa thu mua và đưa vào sản xuất được nhiều nguồn nguyên liệu thu hoạch từ các vùng nuôi. Nguyên nhân do hệ thống thu mua của các nhà máy chưa tốt, giá thu mua thấp hơn so với tư thương. Năm 2008 tổng sản lượng thu hoạch trên toàn huyện đạt khoảng 800 tấn tu hài thương phẩm nhưng vì đầu ra không ổn định nên giá đã giảm nhiều so với những năm trước. Năm 2007, giá tu hài thương phẩm loại một dao động từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng/kg thì đến nay người nuôi chỉ bán được giá từ 150.000 đồng đến 180.000 đồng/kg. Mặc dù phong trào đang phát triển rất rầm rộ không chỉ trên địa bàn huyện Vân Đồn mà còn lan toả sang các địa phương khác nhưng người nuôi cũng bắt đầu thấy băn khoăn về đầu ra cho sản phẩm. Thị trường tiêu thụ chưa lớn và ổn định, sản phẩm đầu ra chủ yếu phục vụ cho tiêu thụ nội địa và du lịch trong vùng.

Tạo sự đồng bộ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ để thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển bền vững vốn là bài toán biết trước nhưng chưa có sự quan tâm, tìm lời giải. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản cho người nuôi; xây dựng các mô hình trình diễn có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định thì địa phương và các ngành Công thương, Nông nghiệp cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản, mở rộng thị trường nội địa nhằm giúp người nuôi trồng thủy sản tiêu thụ sản phẩm.