Với quỹ đất nông nghiệp toàn tỉnh hiện có trên hàng trăm ngàn héc ta, Quảng Trị đang thực hiện điều tra, rà soát lại cụ thể để có kế hoạch đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, trong đó chú trọng phát triển 4 loại cây trồng chủ lực là cao su, cà phê, hồ tiêu và cây sắn.
Hiện nay, Quảng Trị có khoảng 20.560 ha các loại cây công nghiệp dài ngày, gồm 14.040 ha cao su, 4.440 ha cà phê, 2.180 ha hồ tiêu. Riêng cây sắn có hơn 10.000 ha.
Đây là 4 loại cây chủ lực trong cơ cấu cây trồng của tỉnh và đã được xác định tập trung đầu tư phát triển mạnh, bình quân hàng năm tạo ra giá trị sản lượng hàng hoá hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng chục ngàn lao động trên địa bàn đã có việc làm ổn định và từng bước vươn lên làm giàu từ 4 loại cây trồng chủ lực trên, nhất là ngày càng có nhiều lao động đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã tham gia phát triển các loại cây trồng này và đã xóa đói giảm nghèo có hiệu quả.
Trong tổng số trên 14.000 ha cao su của tỉnh thì có trên 7.000 ha cao su tiểu điền. Trong đó huyện Vĩnh Linh có diện tích cây cao su tiểu điền lớn nhất, trên 5.800 ha. Hộ thấp nhất ở Vĩnh Linh cũng trồng được khoảng 1 ha, hộ cao lên đến trên 10 ha. Toàn huyện có trên 4.200 ha cao su đã cho khai thác mủ với sản lượng trên 6.700 tấn.
Hiện có hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở các bản làng tham gia trồng cao su với bình quân mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.
Cây hồ tiêu hiện có khoảng trên 4.000 hộ trồng, trong đó có khoảng gần 15% số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng loại cây này và đã có những hộ thu hoạch đạt năng suất khá cao, trên 1,5 tấn/ha. Bình quân mỗi năm, sản lượng hồ tiêu của tỉnh đạt từ 1.500 đến 2.000 tấn, đạt giá trị xuất khẩu gần trăm tỷ đồng.
Diện tích cây cà phê ở trong tỉnh chủ yếu tập trung ở huyện miền núi Hướng Hóa, trong đó, cây cà phê đã cho thu hoạch gần 3.500 ha. Năm 2008, sản lượng cà phê đạt gần 6.000 tấn, đạt giá trị gần 30 tỷ đồng. Có 5 nhà máy chế biến cà phê sẵn sàng thu mua hết sản lượng cà phê của bà con làm ra, do vậy đã kích thích người dân ngày càng phát triển mạnh loại cây trồng này.
Đặc biệt đối với cây sắn, tuy mới chỉ phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây nhưng diện tích không ngừng tăng lên. Trong chiến lược phát triển của tỉnh đề ra đến năm 2010 nâng diện tích sắn lên 10.000 ha, nhưng đến cuối năm 2008, diện tích thực tế đã lên đến gần 11.000 ha, sản lượng gần 175.000 tấn.
Cây sắn đã góp phần làm giàu cho hàng ngàn hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Hướng Hóa hiện nay đã nâng lên mức hơn 12 triệu đồng/năm có một phần đóng góp rất lớn do cây sắn mang lại.
Quảng Trị có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, có quỹ đất đỏ bazan lớn phù hợp với việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày. Với quỹ đất nông nghiệp toàn tỉnh hiện có trên hàng trăm ngàn héc ta, Quảng Trị đang thực hiện điều tra, rà soát lại cụ thể để có kế hoạch đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp, trong đó chú trọng phát triển 4 loại cây trồng chủ lực là cao su, cà phê, hồ tiêu và cây sắn.
Tỉnh chủ trương hàng năm sẽ nâng diện tích 4 loại cây trồng này lên khoảng 3.000 ha để đến năm 2010 nâng tổng diện tích lên khoảng trên 35.000 ha, trong đó cây hồ tiêu có khoảng 3.000 ha, cà phê trên 4.500 ha, cao su 17.000 ha, cây sắn 10.000 ha.
Theo đó tỉnh sẽ có các chính sách đầu tư ưu đãi nhằm động viên nông dân tập trung thâm canh các loại cây trồng này có kết quả, tạo ra năng suất sản lượng ổn định đồng thời chú trọng khâu chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị hàng hóa, góp phần mang lại lợi nhuận cao cho nhân dân.