![]() |
Ngay từ vụ Đông - Xuân năm 2008, huyện đã chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng như: chuyển diện tích màu lương thực, diện tích khoai lang sang trồng lạc, trồng cây thực phẩm, cây gia vị có giá trị cao; chuyển diện tích lúa năng suất thấp, không ổn định sang nuôi trồng thuỷ sản.
Điển hình là các mô hình: Lúa - cá - lúa với diện tích trên 40 ha, nếu tập trung đầu tư kỹ thuật sẽ cho thu nhập gấp từ 2 - 2,5 lần trồng lúa đơn thuần. Mô hình này cho tổng thu khoảng 160 triệu đồng/ha, thu nhập ròng khoảng 50 - 60 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 80 triệu, công lao động 20 triệu.
Mô hình thâm canh lúa chất lượng cao với diện tích 1.000 ha ở các vùng trọng điểm lúa, tổng thu khoảng 55 - 60 triệu đồng, thu nhập ròng 30 triệu đồng. Mô hình lúa - cá - lợn, diện tích 12 ha ở các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuỷ... trung bình mỗi hộ có khoảng 0,4 - 0,8 ha, thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm, thu nhập ròng 40 triệu đồng, chi phí vật chất khoảng 190 triệu, công 20 triệu.
Mô hình lợn - cá diện tích trên 3 ha tập trung ở các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Long, thị trấn Hồ Xá..., mô hình này thu nhập ròng khoảng 70 triệu đồng.
Ngoài ra, các mô hình nuôi, trồng xen canh cũng cho kết quả khá cao như: Môn xen khoai lang gối sắn dây, chủ yếu ở các xã vùng Đông, nhiều hộ đã đầu tư thâm canh trên chân đất màu với diện tích 35 ha, thu nhập khoảng 49 - 51 triệu đồng.
Mô hình xen ngô đông xuân - dưa non, đã triển khai trên chân đất cát vàng nghèo dinh dưỡng với diện tích gần 8 ha, thu nhập khoảng 38 triệu đồng.
Đáng chú ý là đã chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm công nghiệp trên 129 ha ở vùng ven sông Bến Hải, sông Sa Lung thuộc xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm và Vĩnh Thành và một số mô hình như: Lạc đông xuân - dưa, lạc đông xuân - lạc hè thu - rau khoai... đem lại thu nhập khá.
Toàn huyện có khoảng 95 ha sử dụng mô hình VAC hiệu quả cao và đảm bảo môi trường. Nhiều hộ đã đầu tư xây dưng chuồng trại chăn nuôi kết hợp với đào ao thả cá và trồng rau màu. Mô hình này phân bố rải rác với quy mô khoảng 0,5 - 1,5ha.
Trao đổi với chúng tôi về các mô hình luân canh hiệu quả ở Vĩnh Linh, ông Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Việc triển khai các mô hình nông nghiệp có giá trị cao là rất cần thiết, giúp cho người dân vừa áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi một cách có hiệu quả, vừa tăng thêm thu nhập gia đình. Bên cạnh phát huy tối đa giá trị sử dụng đất còn hạn chế tối đa mầm mống các loại bệnh hại cây trồng. Thời gian tới, chúng tôi tập trung đầu tư thâm canh trên các chân ruộng lúa ăn chắc tại các xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Sơn... phấn đấu đưa năng suất lúa đạt 60 tạ/ha/vụ trở lên, tuyệt đối không để hoang diện tích lúa...”.
Tin rằng, trong năm 2009, từ những mô hình nông nghiệp giá trị cao, nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Linh sẽ thoát nghèo, vươn lên khá, giàu.