00:00 Số lượt truy cập: 2675848

Quảng Trị: Tiêu được giá, nông dân vẫn không vui 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay giá tiêu đạt 50.000-55.000 đồng/kg, trong thời gian tới giá hạt tiêu có thể tăng giá, tuy nhiên nông dân Quảng Trị vẫn không vui bởi vụ tiêu năm nay nông dân bị mất mùa nặng, năng suất tiêu chỉ đạt 7 tạ/ha, trong khi năng suất tiêu bình quân của cả nước đạt 24 tạ/ha.

 


Quảng Trị hiện có 2.300 ha cây tiêu, tập trung chủ yếu ở các huyện Cam Lộ (773 ha), Vĩnh Linh (730 ha), Gio Linh (350 ha)... năng suất tiêu vụ này chỉ đạt 7 tạ/ha. Nguyên nhân chính dẫn đến tiêu mất mùa là do trong thời gian qua giá hạt tiêu liên tục rớt giá, có thời điểm một kg hạt tiêu chỉ có giá 20.000 đồng. Trong những vụ vừa qua, đặc biệt là vụ tiêu 2006-2007 nông dân rất ít quan tâm chăm sóc cây tiêu. Việc bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu hầu như không được thực hiện. Trong năm 2007 cây tiêu ở Quảng Trị liên tục bị nhiễm các loại sâu bệnh như bệnh chết nhanh ở tiêu do nấm gây ra, rệp sáp, bệnh tuyến trùng... Ông Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết: việc không chăm sóc cho cây tiêu không chỉ làm giảm năng suất trong vụ này mà còn ảnh hưởng lớn đến những vụ sau và làm giảm tuổi thọ của cây tiêu. Thời tiết năm nay cũng không thuận lợi cho cây tiêu phát triển, vào giai đoạn tiêu ra hoa liên tục có mưa lớn làm giảm khả năng thụ phấn, thụ tinh của tiêu, qua đó ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng của cây tiêu. Một nguyên nhân quan trọng nữa làm giảm năng suất tiêu ở Quảng Trị là do cây tiêu đã đến tuổi già cỗi nhiều. Hiện Quảng Trị có đến 50% diện tích cây tiêu đã già cỗi (trên 20 năm tuổi), trong khi tiêu đạt năng suất và chất lượng cao nhất lúc 10-15 năm tuổi, sau giai đoạn này năng suất và chất lượng tiêu giảm dần.

Theo đánh giá của Hiệp hội cà phê-hạt tiêu giá tiêu, trong thời gian tới giá hạt tiêu có thể tiếp tục tăng giá bởi hai nước xuất khẩu tiêu lớn trên thế giới là Brazin và Ấn Độ cũng bị mất mùa. Trước thực tế đó nông dân Quảng Trị đang găm hàng chờ thời điểm giá hạt tiêu đạt ngưỡng cao nhất để bán ra nhằm bù đắp một phần năng suất bị sụt giảm.