Để phát triển kinh tế trang trại, Vĩnh Thủy làm tốt công việc “dồn điền, đổi thửa” xây dựng các mô hình trang trại lúa-cá, lúa-vịt, ao cá các loại. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thì mô hình kinh tế trang trại ở vùng lúa cho thu nhập gấp 5 lần so với độc canh cây lúa trước đây. Đặc biệt đối với vùng gò đồi bán sơn địa thì triển khai xây dựng trang trại theo các mô hình tổng hợp, như: lâm nghiệp-nông nghiệp- chăn nuôi, cao su tiểu điền-nông nghiệp-chăn nuôi, chăn nuôi-nông nghiệp-dịch vụ, đã khai thác được tiềm năng của vùng gò đồi và giải quyết được việc làm thường xuyên cho hơn 1000 lao động, giảm áp lực lao động dôi dư ở vùng đồng bằng. Nhờ phát triển trang trại lên vùng gò đồi mà riêng diện tích cây cao su tiểu điền của Vĩnh Thuỷ đã lên tới hơn 1000 ha, chiếm 1/6 tổng diện tích cao su tiểu điền trong toàn huyện, mặt khác lại có điều kiện chăm sóc-khai thác-bảo vệ để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho trang trại. Trang trại anh Nguyễn Văn Cương ở thôn Thuỷ Ba Hạ có diện tích 100 ha, phần lớn trồng cây lâm nghiệp và cao su tiểu điền, lại nuôi thêm 16 con trâu bò và còn mở được đại lý phân bón và vật liệu xây dựng, thu hút 10 lao động thường xuyên. Anh Cương khiêm tốn cho biết năm 2008 trang trại cho gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng từ bán mủ cao su, chăn nuôi và dịch vụ. Trang trại của cựu chiến binh Lê Văn Kha ở thôn Đức Xá có 15 ha cao su, 30 ha cây lâm nghiệp, nuôi 20 con bò, ao cá; riêng mùa cạo mủ cao su năm 2008 cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ở thôn Thuỷ Ba Tây có trang trại ông Hoàng Xuân Văn, ở Thuỷ Ba Hạ có trang trại ông Nguyễn Xuân Củng, đều có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ năm.
Nhờ phát triển mạnh các mô hình kinh tế trang trại, Vĩnh Thuỷ đã giàu lên nhanh chóng so với các vùng nông thôn trong cả tỉnh, diện đói nghèo chỉ còn lại 5,6%, thuộc diện thấp nhất trong vùng nông thôn Quảng Trị.