00:00 Số lượt truy cập: 2668380

Quy trình nhân nuôi bọ đuôi kìm ở Phú Yên 

Được đăng : 03/11/2016

1. CHUẨN BỊ THÙNG NUÔI


Thùng nhựa có dung tích khoảng 15 lít (bán kính 30cm, cao 40 cm), trên miệng thùng đậy bằng vải thô để bảo đảm độ thông thoáng và ngăn không cho bọ đuôi kìm ra ngoài. Xung quanh thùng nuôi cách đáy thùng khoảng 1cm khoan lỗ nhỏ bằng đầu kim để thùng nuôi không bị đọng nước quá nhiều.

2. CHUẨN BỊ GIÁ THỂ NUÔI VÀ CÁCH CHO BỌ ĐUÔI KÌM ĂN

Cho vào thùng nuôi bọ đuôi kìm khoảng 40 – 50 đoạn lá dừa tươi và khô có chiều dài từ 15 - 25cm (dựng nghiêng theo chiều cao của thùng nuôi) để làm nơi cư trú và đẻ trứng của bọ đuôi kìm. Thả vào mỗi thùng từ 15 – 20 cặp bọ đuôi kìm trưởng thành. Thức ăn để nuôi bọ đuôi kìm là sâu non của bọ cánh cứng hại dừa, cám mèo, bánh quy không đường… Định kỳ 2 – 3 ngày/lần thay thức ăn và bông gòn thấm nước mới (trong trường hợp không có thức ăn là sâu non của bọ cánh cứng hại dừa thì thay thế các loại thức ăn khác), kết hợp phun nước để đảm bảo độ ẩm của giá thể nuôi thường xuyên đạt 70 – 75%. Hai tuần/lần bỏ thêm khoảng 20 – 30 đoạn lá dừa tươi để tạo độ ẩm và tăng thêm nơi cư trú mới cho bọ đuôi kìm.

3. THU HOẠCH VÀ THẢ BỌ ĐUÔI KÌM

Sau khoảng 2,5 tháng nuôi thì tiến hành thu hoạch bọ đuôi kìm trưởng thành và ấu trùng tuổi 4 để đem thả trên những cây dừa để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa.

Cách thả: Chọn bọ đuôi kìm tuổi 4 và trưởng thành cho vào hộp nhỏ 20 – 25 cặp/hộp để thả. Chọn cây dừa có bọ cánh cứng gây hại để thả bọ đuôi kìm. Mật độ thả với mỗi hộp từ 20 – 25 cặp/cây. Đối với cây dừa thấp thì thả ngay trên ngọn cây dừa. Đối với cây dừa cao có thể thả ngay dưới gốc cây, sau đó bọ đuôi kìm tự bò lên trên ngọn cây. Nên thả bọ đuôi kìm vào sáng sớm hoặc chiều tối; thả vào đầu hoặc cuối mùa mưa. Vườn dừa có ít bọ cánh cứng gây hại nên thả vào giai đoạn cây dừa ra hoa là tốt nhất.