00:00 Số lượt truy cập: 3235545

Rau sống lại... 'chết'? 

Được đăng : 03/11/2016

Nỗi lo lắng này đang thường trực ở những người nông dân vùng trồng rau gia vị (xã Tân Minh, huyện Thường Tín, Hà Tây) trong những ngày dịch tiêu chảy cấp hoành hành trở lại.


Ngày 8-4, có mặt tại xã Tân Minh, trước mắt chúng tôi là cả một cánh đồng rau rộng lớn, nhưng tìm đỏ mắt cũng chỉ thấy lác đác vài người đi làm, nhiều ruộng rau bỏ già không ai buồn hái.

Tai họa liên tiếp

Xã Tân Minh có hơn 70ha trồng rau gia vị. Dịch tiêu chảy cấp cuối năm 2007 đã làm cho không ít hộ nông dân ở Tân Minh nóng lòng bỏ nghề trồng rau. Hơn 80% rau đến lứa phải cắt bỏ và đổ ngập đường thôn xã. Ao nuôi cá của một số hộ nông dân cũng đầy những xà lách, tía tô, húng chó... Thiệt hại toàn xã lên đến vài trăm triệu. Theo ông Đinh Bá Vinh - Chủ nhiệm HTX, “điều đáng ngại không chỉ là thất thu về tiền mà “thương hiệu” rau gia vị Tân Minh đã bị ảnh hưởng”.

Trải qua cơn “đại hoạ”, hai tháng đầu năm nay, nguồn thu nhập từ rau gia vị đã mang lại niềm tin cho nông dân. Mỗi ngày khoảng 500 xe máy chở rau ra Hà Nội và các địa phương lân cận, thu nhập trên mỗi xe rau đạt 100-120 nghìn đồng. Cuộc sống dần khá lên, gần 1.400 hộ nông dân lại nô nức ra đồng. Nhưng, niềm vui chưa được mấy chốc, nỗi lo lại ập đến. Dịch tiêu chảy cấp bùng phát ở xã Khánh Hà, cách Tân Minh chỉ vài cây số và hiện đã lan rộng hơn 10 tỉnh, làm cho người trồng rau Tân Minh “ăn không ngon, ngủ chẳng yên”.

Nửa tháng nay, ông Lê Văn Phong (thôn La Uyên, xã Tân Minh) ngồi nhà xơi nước chứ chẳng buồn ra đồng. Trước, mỗi ngày gia đình ông Phong có thu nhập hàng trăm nghìn đồng, nhưng bây giờ cố lắm cũng chỉ được 20 nghìn. Bà Nghiêm Thị Hồi - vợ ông Phong, thở dài: “Dạo này nhà tôi cũng chẳng dám ăn thịt, mỗi ngày vài nghìn tiền đậu là xong. May là nhà còn sẵn gạo, chứ đi ăn đong thời buổi này thì chỉ có nước nhịn”. Nhà bà Hồi vừa vay 5 triệu đồng để xây bể lọc và bể chứa nước phục vụ cho trồng rau gia vị. Nhìn 6 sào rau, bà nghẹn ngào: “Cắt bán thì rẻ hoặc chẳng ai mua, để rau già thì chết”!

Cặm cụi trên ruộng rau gia vị, ông Hoàng Văn Hoà, thôn Phúc Trại đang cố hái đủ 100 mớ rau húng để kiếm lấy 10 nghìn đồng. Chỉ sang luống rau ngải cứu nhà mình, ông Hoà ngán ngẩm: “Dịp Tết, 1.500 đồng/mớ cũng không có mà bán; giờ chỉ có 150 đồng nói khéo người ta mới mua cho”.

Liệu có “làm liều”?

Theo ông Đinh Bá Vinh, rau Tân Minh “hầu như” không bón phân tươi mà phần lớn dùng phân hoá học hoặc phân chuồng ủ mục. Về nguồn nước tưới, 11ha rau an toàn Tân Minh được tưới chủ yếu bằng nước giếng khoan. Diện tích rau còn lại các hộ tự khoan giếng lấy nước tưới, xã hỗ trợ 400 nghìn đồng/sào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, 80% số hộ ở địa phương này dùng hố xí tự hoại; cho nên việc không bón phân tươi như ông Vinh nói là có cơ sở.

Tuy nhiên, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn nước tưới ở địa phương vẫn chưa chặt chẽ, nên vẫn có bà con lấy nguồn nước ở mương máng để tưới rau (nguồn nước này được cung cấp chủ yếu từ sông Nhuệ). Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huệ- Phó Chủ nhiệm HTX cho biết, hơn 1 tuần trước, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cử một đoàn xuống để lấy mẫu xét nghiệm nước sông Nhuệ và rau gia vị.

Đoàn kiểm tra kết luận có khuẩn tả trong nước sông Nhuệ; còn rau gia vị thì... chưa có kết luận chính thức. Việc số ít người dân Tân Minh “liều” lấy nước sông Nhuệ từ các mương máng tưới rau, biết đâu sẽ là mối hoạ lớn. Vì vậy, cần có sự hướng dẫn, kiểm soát của cơ quan chức năng để hạn chế tối đa khả năng lây lan dịch từ vùng rau sống.