Ruộng lớn dễ có tiền to
Được đăng : 03/11/2016
Nhờ thực hiện dồn đổi ruộng đất, nhiều hộ ND ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông (Phú Thọ) đã có thu nhập rất cao.
Đợt đầu tiên thực hiện thí điểm dồn điền đổi thửa năm 2005, xã Hương Nộn dồn đổi được gần 70ha. Đầu tháng 5-2006, xã tiến hành đợt 2 với quy mô hơn 153ha. Phương án được lựa chọn lଠnhóm các khu đồng có điều kiện canh tác giống nhau rồi tiến hành cho dân bắt thăm trên nguyên tắc, diện tích của từng hộ chỉ tập trung vào một xứ đồng, dù đó là đồng trũng hay đồng cạn.
Ruộng về một mối
Gia đình anh Đào Quốc Hải bắt phải mảnh ruộng trũng nhất của chi hội 2. Nhiều người bảo số anh "đen". Riêng anh Hải nghĩ khác. Dồn đổi hơn 1 mẫu ruộng của gia đình cộng với diện tích thuê thêm của các hộ xung quanh, anh Hải đào cái ao rộng 2ha. Mặt nước anh thả cá kết hợp nuôi 500 vịt đẻ, trên bờ anh xây chuồng nuôi lợn. "Nhà tôi không phải lo tiền tiêu Tết. Tôi đã ém sẵn 12 con lợn, trọng lượng 60-70kg/con. 20 con khác nặng 30-40kg/con, tôi để ra Giêng bán. Trong và ngoài Tết, tôi sẽ xuất gần 1 tấn cá. Thu nhập của tôi ước gấp 3 lần cấy lúa" - anh Hải nhẩm tính.
Anh Vũ Đình Viên - hội viên chi hội 8 kể: "Nghe đài báo giới thiệu mô hình cá + lúa, tôi rất mê, nhưng ngặt nỗi ruộng vụn vặt quá, mỗi đồng một thửa. Khi xã triển khai dồn đổi ruộng đất, gia đình tôi bắt thăm được khu ruộng trũng ở cánh đồng giữa. Đổi toàn bộ 1 mẫu ruộng của nhà về đây. Tôi vừa đào 2 sào ao, còn 8 sào vẫn để cấy lúa. Trước Tết tôi cấy xong lúa chiêm xuân, sau Tết trời ấm sẽ thả cá. Thu hoạch lúa chiêm xuân xong tôi sẽ lùa cá lên ăn màu lúa chẳng mấy mà được bán".
Ông Hoàng Như Xuân-Thường trực Đảng uỷ xã Hương Nộn cho biết: Năm 2005, xã thí điểm dồn đổi ruộng đất rút kinh nghiệm để năm 2006 tiến hành dồn đổi đại trà ở tất cả 13 khu dân cư. Tổng diện tích đất dồn đổi trong 2 năm là 230,3ha.Tại những khu đồng đã dồn đổi, bình quân mỗi hộ chỉ còn hơn 2 thửa thay vì gần 6 thửa như trước đây.
Vì lợi ích của ND
"Dồn đổi ruộng đất, tạo nên ô thửa lớn để dễ canh tác, đó là chủ trương đúng của Nhà nước. Hội vận động ND thực hiện chủ trương này là vì lợi ích của ND"- ông Vũ Đình Thuyên-Chủ tịch Hội ND xã Hương Nộn tâm sự. Còn nhớ, giai đoạn đầu của cuộc vận động dồn điền đổi thửa, theo phân công của Đảng uỷ xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội ND đều phải xuống bám trụ tại các chi hội. Ông Thuyên cho hay: "Một bộ phận ND vẫn còn tư tưởng "có cả ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng cao, ruộng trũng" dù mỗi mảnh chỉ dăm ba thước. Một số cán bộ còn ngại va chạm với tư tưởng này. Hội phải lấy lợi ích của số đông ND, lấy ý kiến của tập thể chi hội để thuyết phục những người này". Các chi hội trưởng ND đều nằm trong Ban chỉ đạo dồn đổi ruộng đất ở khu dân cư. Ông Xuân khẳng định: "Dồn điền đổi thửa ở Hương Nộn thành công có đóng góp không nhỏ của cán bộ Hội ND và hội viên ND. Trong số các cá nhân được xã tuyên dương dịp tổng kết công tác dồn điền đổi thửa có Phó Chủ tịch Hội ND xã Nguyễn Ngọc Thiết, "lão nông" 75 tuổi Bùi Văn Sinh và chi hội trưởng chi hội 6, 8, 9, 10, 11...".
Dồn đổi từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn đã giúp ND giảm chi phí sản xuất do đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng; hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung; ND tăng thu nhập. Vụ xuân năm 2007, ND các chi hội 6, 8 và 10 đã ký hợp đồng trồng 2ha dưa hấu Hắc Mỹ Nhân với Công ty Thành Nông; trồng 4ha hoa nhài cho Công ty Bảo Long. Hội ND xã đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật, cung ứng giống, phân bón và đưa ND đi tham quan mô hình ở Sóc Sơn (Hà Nội). "Sau vụ xuân 2007, diện tích dưa hấu và hoa nhài tiếp tục được nhân rộng " - ông Xuân cho biết.