Trong những năm qua, nhiều sản phẩm nông nghiệp (nông – hải sản) của tỉnh ta đóng vai trò rất quan trọng, góp phần tăng ngoại tệ từ xuất khẩu, một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu nhờ chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
Hiện nay mối lo ngại về chất lượng sản phẩm lợi thế của tỉnh xuất khẩu sang một số thị trường trong khu vực thế giới, nhất là các thị trường khó tính đã trở thành vấn đề chính đối với nông dân, ngư dân, đặc biệt là sau những cảnh báo về một số sản phẩm nông nghiệp. Chính vì thế hiện nay nông dân cố gắng đảm bảo phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh tăng về số lượng, ngày càng chú trọng về chất lương. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu nhờ đạt chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.
Vườn thanh long ở Hàm Mỹ. (ảnh: Lê Thanh)
Cây thanh long trải qua những gian truân và cuối cùng cũng đã được đưa sang Mỹ, mở ra thị trường mới đầy triển vọng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 200 cơ sở thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu thanh long, trong đó có 7 tổ chức xuất khẩu trực tiếp. Thị trường xuất khẩu thanh long chủ yếu là các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Tổng sản lượng xuất khẩu vào thị trường này chiếm trên 90% sản lượng thanh long xuất khẩu của tỉnh, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 20%/năm, đến nay đã xuất khẩu được 3 chuyến với số lượng 52,65 tấn. Đây là tín hiệu vui cho thanh long Bình Thuận và bà con nông dân.
Song thực tế, vẫn còn tình trạng một số người sản xuất, cơ sở thu mua chạy theo lợi nhuận dẫn đến tình trạng lạm dụng chất kích thích sinh trưởng, thuốc bảo vệ thực vật trên cây thanh long, ảnh hưởng đến chất lượng trái, xuất khẩu thanh long Bình Thuận. Trước tình hình trên, các cấp, các ngành đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tích cực triển khai, tuyên truyền các hộ trồng thanh long thực hiện tốt Chỉ thị 40 của UBND tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng lạm dụng chất kích thích và thuốc BVTV trên cây thanh long. Đồng thời Hội Nông dân phối hợp với Trung tâm phát triển cây thanh long tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ nông dân huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long theo quy định công nghệ sạch (VietGAP); vận động gần 18.000 hộ trồng thanh long ký cam kết sản xuất thanh lòng an toàn.
Riêng sản phẩm về khai thác, nuôi trồng sản phẩm thủy – hải sản đang khắc phục các rào cản khắt khe, tìm kiếm thị trường. Việc áp dụng, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thủy hải sản trong thời gian qua được ngư dân khai thác và nuôi trồng, cơ sở chế biến rất quan tâm. Đối với các hộ nuôi tôm đã áp dụng các quy trình nuôi tôm bền vững, ứng dụng công nghệ sinh học, kiểm soát môi trường nuôi; đồng thời tuân thủ mùa vụ nuôi nên tình hình nuôi khá ổn định, hạn chế bớt dịch bệnh.
Trong lĩnh vực khai thác xa bờ, hiện nay đã có một số tàu ứng dụng công nghệ mới vào bảo quản sản phẩm, đặc biệt là nghề chụp mực 4 tăng gông, mành mực cải tiến, đang được ngư dân áp dụng hầm cách nhiệt polyurethane để bảo quản chất lượng sản phẩm. Bên cạnh một số doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến trong tỉnh đã chủ động đầu tư, nâng cấp các thiết bị, tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để khắc phục các rào cản khắt khe. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vấn đề chưa được gỡ rối là những rắc rối xung quanh chuyện nhiễm dư lượng kháng sinh. Đến nay, các cơ sở, doanh nghiệp vẫn chưa dám xuất một số sản phẩm lợi thế vào thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Mặc dù việc kiểm tra, xử lý tuy đã được các ngành chức năng thực hiện nhiều, nhưng đến nay chưa có doanh nghiệp nào đám cam đoan sản phẩm đủ sạch, để có thể quay lại thị trường uy tín này.
Để góp phần đẩy mạnh việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thủy – hải sản thời gian qua, các cấp Hội Nông dân đã thông qua công tác tuyên truyền giáo dục, vận động, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình về quy trình bảo quản sản phẩm sau khai thác, quy trình nuôi tôm sinh học… nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức cho hội viên, nông dân, các cơ sở kinh doanh, thu mua thủy – hải sản; đồng thời thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi để kịp thời khuyến khích, nhân rộng các mô hình, điển hình nông dân SXKD giỏi nhờ ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.