00:00 Số lượt truy cập: 2671377

Sẵn sàng cho vụ lúa đông xuân 

Được đăng : 03/11/2016
Còn khoảng một tháng nữa ĐBSCL sẽ bước vào sản xuất lúa đông xuân. Đây là vụ lúa quan trọng nhất trong năm, cho năng suất, sản lượng và chất lượng tốt nhất. Để vụ lúa đông xuân tới được thắng lợi, bà con nông dân cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Những việc cần chuẩn bị và những việc làm phục vụ cho việc xuống giống có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cả vụ lúa. Để giúp bà con nông dân đạt được một vụ mùa thắng lợi, xin giới thiệu một vài kinh nghiệm.

1. Về thời vụ: Những khu ruộng chủ động bơm tưới được thì bà con tranh thủ xuống giống càng sớm càng tốt. Thông thường ở những khi vực có đê bao, bà con thường xuống giống vào đầu tháng 10 ÂL. Vào thời điểm này thời tiết rất thích hợp cho lúa phát triển, sâu bệnh cũng ít hơn. Kinh nghiệm cho thấy những trà lúa đông xuân (ĐX) xuống giống sớm thường cho năng suất cao hơn những trà xuống giống trễ. Lúa thu hoạch trước tết Nguyên đán bán được giá rất cao (cao hơn 300-500 đ/kg so với lúc thu hoạch đại trà).

2. Về giống: Bà con nông dân nên sử dụng giống lúa xác nhận do các Trung tâm giống, các Viện nghiên cứu, các Trường đại học Nông nghiệp sản xuất. Giống tốt phải đạt tiêu chuẩn là cho năng suất cao, phẩm chất tốt, sạch hạt cỏ và lúa cỏ, nảy mầm tốt và có độ thuần cao. Những giống lúa tốt cho vụ lúa ĐX là OM 4498, OM 4900, OM2395... Những giống lúa này co khả năng chống chịu cao với rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Trong vụ hè thu vừa qua, nhiều giống lúa cũ bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây thiệt hại rất lớn cho sản xuất thì những giống lúa trên vẫn cho năng suất khá cao và không bị nhiễm các loại bệnh trên. Tuỳ theo điều kiện sinh thái và thị trường mà có thể sử dụng các giống lúa thơm như Jasmin85, OM3536, ST3. Vụ ĐX năm ngoái bà con nông dân ở Bình Minh, Trà Ôn (Vĩng Long) sản xuất lúa Jasmin 85 cho hiệu quả kinh tế rất cao (giá bán tại ruộng là 5.000 đ/kg, cao hơn các giống lúa thường 400-500 đ/kg và cho lãi hơn các giống lúa khác là 4-5 triệu đồng/ha, trong khi chi phí để sản xuất lúa Jasmin85 không hề tốn hơn những giống lúa khác).

3. Vệ sinh đồng ruộng: Đối với những vùng sâu không có đê bao, phụ thuộc vào con nước thường xuống giống trễ hơn khoảng một tháng. Đối với những vùng này thì cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng thật tốt bằng cách phun thuốc cỏ triệt sinh cỏ bờ, bụi rậm nhằm triệt nơi trú ẩn của các loài dịch hại. Dưới ruộng nếu có nhiều rong, cỏ, lúa chét thì cần tiến hành trục nhấn ngay, thời gian từ nay đến khi xuống giống còn đủ để phân hủy các chất hữu cơ từ rơm rạ giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ và sẽ đỡ được rất nhiều chi phí công lao động đi gom cỏ khi xuống giống, đồng thời cũng để vùi hết các giá thể không cho ốc bươu vàng đeo bám, đẻ trứng sẽ hạn chế OBV cho vụ lúa. Những khu vực có đê bao cần khai thông ống cống cho nước sông ra vào tự do để lấy phù sa, nước ngọt ra vào thường xuyên giúp rửa phèn, rửa mặn rất tốt cho đồng ruộng, đồng thời làm tăng lượng ô xy hòa tan trong nước sẽ giúp cho quá trình phân hủy chất hữu cơ nhanh hơn.

4. Sạ lúa theo hàng: Sạ lúa theo hàng với lượng 100-120 kg giống/ha, sẽ giảm được 80-100 kg lúa giống/ha, sạ hàng làm môi trường ruộng lúa thông thoáng sẽ giúp lúa phát triển đều, giảm được sâu bệnh, giảm phân bón, chăm sóc lúa dễ hơn, làm tăng năng suất và chất lượng lúa.

5. Sử dụng thuốc BVTV: Để diệt trừ cỏ dại bà con nên dùng các loại thuốc tiền mọc mầm như Sofit 300 ND, Meco 600 EC (theo khyến cáo trên vỏ chai) do vụ ĐX có đất bùn nhão rất thích hợp cho các loại thuốc tiền mọc mầm phát huy tác dụng. Với các loại thuốc trừ sâu bệnh thì không nên phun theo định kỳ hoặc phun ngừa vì rất lãng phí công sức, tiền bạc và làm ô nhiễm môi trường. Với sâu bệnh thì nên tham quan đồng ruộng thường xuyên, phát hiện thấy sâu bệnh tới ngưỡng gây hại mới dùng đến thuốc hóa học. Khi sử dụng thuốc không nên pha trộn bừa bãi nhiều loại thuốc với nhau sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Việc quan trọng nhất trong sử dụng thuốc BVTV là áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, phun đúng thời điểm và đúng cách). Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ 2,4-D vào lúc lúa gần chín.

6. Diệt ốc bươu vàng: Hiện nay ốc bươu vàng (OBV) đang là một hiểm họa rất lớn cho nhà nông. Hàng năm cứ vào vụ lúa đông xuân nhiều bà con nông dân phải sạ lại tới 2-3 lần do ốc phá hại, thiệt hại do OBV là không thể tính nổi. Do OBV có tốc độ sinh sản rất nhanh nên việc diệt OBV cần tiến hành ngay từ đầu vụ: các phương pháp diệt ốc như: (i) thu gom trứng ốc để tiêu hủy; (ii) thả vịt đẻ vào ruộng: vịt đẻ rất thích ăn OBV, mỗi con vịt một ngày có thể ăn vài chục đến hàng trăm con ốc, vì vậy nuôi vịt trên đồng sẽ có tác dụng làm giảm tỷ lệ OBV rất lớn; (iii) dùng OBV để nuôi tôm cá sẽ khuyến khích nhiều người bắt OBV; (iv) khi bơm nước cần khơi cho nước chảy thành dòng, OBV sẽ tập trung theo rãnh nước giúp cho việc thu gom dễ dàng; (v) dùng vật liệu dẫn dụ như vỏ xơ mít, lá khoai môn, lá sắn, lá chuối, rau muống. Thả những vật liệu này xuống nước, cho nổi lềnh bềnh trên mặt nước chúng sẽ bu tới bao quanh những vật liệu này, bà con nông dân chỉ việc mang dụng cụ ra gom ốc; (vi) dùng thuốc hóa học: khi bị OBV phá lúa, tuyệt đối không dùng những loại thuốc hóa học có nguồn gốc Endosufal, những loại thuốc này rất độc với tôm cá, làm ô nhiễm nguồn nước mà nên dùng những loại thuốc ít độc hại với môi trường như bayluscide (còn gọi là vịt bầu), Snail, thuốc thảo mộc.

7. Diệt chuột: Diệt chuột bằng các phương pháp thông thường như đặt bả, đào hang, bẫy có hom, chất chà…