00:00 Số lượt truy cập: 3235681

Sầu riêng ''chết đứng'', nông dân khốn đốn 

Được đăng : 03/11/2016
Hiện hàng loạt vườn cây sầu riêng giống mới ở Lâm Đồng bỗng héo rũ rồi chết khô, khiến cho nhiều hộ nông dân của tỉnh này lâm vào tình cảnh khốn khó. Cơ quan hữu trách của tỉnh này cũng đã vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra biện pháp khắc phục, nhưng kết quả mang lại không mấy khả quan; bởi vậy, nỗi lo của nhà vườn vẫn còn nguyên đó.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện Đạ Huoai là huyện dẫn đầu Lâm Đồng về diện tích sầu riêng: Gần 1.500ha, chiếm 2/3 diện tích sầu riêng toàn tỉnh. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương “dẫn đầu” cả tỉnh về diện tích sầu riêng bị chết tính đến thời điểm tuần cuối tháng 7 này.

Ông Ngô Hữu Luân ở Đạ Huoai, một trong những người trồng sầu riêng có kinh nghiệm, nhìn vườn cây ngán ngẩm: “1ha sầu riêng giống Monthon trồng năm 2002 là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Thế nhưng, không biết vì giống hay vì thời tiết mà đến lúc này, một nửa trong số đó đã chết khô. Diện tích còn lại, cây phát triển rất kém, lại thêm dấu hiệu rũ lá”. Không chỉ riêng vườn cây nhà ông Luân, mà sầu riêng ở nhiều vườn khác trong huyện Đạ Huoai cũng đồng loạt rũ lá, thối rễ... và sau đó là chết khô.

Theo thống kê của Trung tâm Nông nghiệp huyện, năm 2009 vừa qua, cả Đạ Huoai chỉ trồng mới 42ha sầu riêng các loại (chủ yếu là giống mới). Đến nay, 21ha trong tổng diện tích 42ha trồng mới này đã bị chết đứng, chết hoàn toàn; số còn lại chỉ không quá 20% diện tích là phát triển bình thường. Không chỉ diện tích trồng mới 42ha bị chết, mà cả 200ha sầu riêng ghép đang trong giai đoạn kinh doanh ở huyện này cũng đang rơi vào tình trạng khốn đốn: 102ha đã chết hoàn toàn, diện tích còn lại đã nhiễm nhiều thứ bệnh khác. Một cán bộ của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai cho biết, hầu hết diện tích sầu riêng của huyện này bị chết đều do Công ty phát triển công nghệ sinh học (Donatecno) thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia cung cấp.

Điều rất đáng quan tâm là khi điều tra về nguyên nhân dẫn đến sầu riêng trong tỉnh chết hàng loạt, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng - Chi cục Bảo vệ thực vật và trung tâm nông nghiệp các huyện - đều “đổ lỗi” cho thời tiết và phương pháp canh tác của nhà vườn; trong khi đó, nhà cung cấp giống thì gần như đứng ngoài cuộc! Cụ thể, tại Đạ Huoai, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp huyện vừa đưa ra những số liệu về nguyên nhân dẫn đến diện tích sầu riêng bị chết hàng loạt (do Donatecno cung cấp giống) là do khô hạn 48%, thối rễ 43%, sâu đục thân 30%...

Cơ quan này còn nói rõ hơn: Biện phát chống khô hạn cho cây sầu riêng không được nông dân chú trọng, nên các loại bệnh hại trên cây trồng có dịp phát triển như bệnh xì mủ, thối rễ, mối... Cơ quan hữu trách còn lập luận một cách khá... khoa học rằng: Nấm Phytophora trên cây sầu riêng là nguyên nhân chính gây nên bệnh xì mủ và thối gốc thối rễ, khiến cho cây bị chết đứng hàng loạt.

Hơn thế, cơ quan chức năng của tỉnh và của huyện còn cho rằng do nông dân thiếu đầu tư chăm sóc nên nấm Phytophora phát triển mạnh và lan rộng trên cây sầu riêng và đã trở thành một nguồn bệnh đe doạ hầu hết các vườn sầu riêng của tỉnh này. Trong khi đó, nhiều hộ nông dân lại cho rằng, không ai dại gì bỏ ra cả đống tiền để trồng sầu riêng rồi bỏ dãi cho sâu bệnh; ngược lại, họ cũng biết tổ chức canh tác vườn cây đúng kỹ thuật, tuân thủ sự khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, nhưng cây chết thì vẫn cứ chết.

Rõ ràng, việc hàng loạt vườn sầu riêng ở Lâm Đồng (và không chỉ riêng Lâm Đồng) “chết đứng” hẳn là điều không bình thường. Thế nhưng, cách “lý giải” trên của cơ quan hữu trách của tỉnh này lại là vấn đề cần xem lại; và đồng thời, nhà cung cấp giống cũng phải cần lên tiếng để tỏ rõ trách nhiệm của mình trong vấn đề này như thế nào!