00:00 Số lượt truy cập: 3235547

Sau tiêu huỷ lợn dịch ở Thanh Hoá: Nhiều hố chôn bốc mùi thối 

Được đăng : 03/11/2016
Con số báo cáo của UBND tỉnh tính đến ngày 9.4, có 69.181 con lợn bị nhiễm dịch tai xanh ở 13 huyện, thị. Tổng số lợn đã tiêu huỷ 64.806 con, bằng 93,7%. Ngày 9.4, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT - đã đi kiểm tra tình hình chống dịch tai xanh tại Thanh Hoá.

 

Ông Cao Đức Phát cho biết, tỉnh Thanh Hoá đề nghị bộ cấp 40 nghìn lít hoá chất nhưng mới đáp ứng được 10 nghìn lít, còn lại bộ đang xem xét. Hiện nhiều hố chôn lợn đã bốc mùi thối, nếu không nhanh chóng có biện pháp xử lý kịp thời thì ô nhiễm môi trường sau tiêu huỷ lợn sẽ rất trầm trọng.

Chiều ngày 9.4, đích thân ông Cao Đức Phát đã đi kiểm tra thực tế tại hố chôn lợn ở xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn. Hố chôn được đắp đất kín, đầm chắc song mùi hôi thối vẫn bốc lên nồng nặc. Trước đó, khi bàn biện pháp tiêu huỷ lợn, ông Mai Văn Ninh - Chủ tịch UBND tỉnh đã đặt ra yêu cầu đối với các địa phương là phải đặc biệt quan tâm đến việc vệ sinh môi trường trong và sau khi tiêu huỷ lợn. Các xã, huyện cơ bản nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh, những hố chôn "tập thể" cho lợn được đào ở khu đất trống, cách xa dân cư. Khi chôn lợn xong thì phun hoá chất, rắc vôi bột để diệt trừ mầm bệnh. Nhưng với số lượng lớn phải chôn nhiều như vậy thì việc khoanh vùng vòng dịch đang là bất khả kháng đối với chính quyền địa phương.

Với số lượng lợn mắc dịch phải tiêu huỷ lên đến gần 70 nghìn con trong một thời gian rất ngắn, cộng với điều kiện thời tiết nóng lên mấy ngày qua đang là nguyên nhân gieo rắc mầm bệnh đối với con người. Đặc biệt là loại mầm bệnh này có thể nhanh chóng làm bùng phát trở lại đại dịch tai xanh. Ông Cao Đức Phát khẳng định: Đây là một loại dịch tai xanh mới ghép với một loại virus khác xuất hiện tại Trung Quốc và Việt Nam nên rất nguy hiểm. Chính Cục Thú y cũng đang lúng túng trong việc sử dụng loại thuốc nào để tiêm phòng dịch. Do vậy việc tiêu diệt triệt để đàn lợn mắc dịch, đảm bảo tốt vấn đề vệ sinh môi trường sau tiêu huỷ cần được nghiêm túc xem xét. Song hiện nguồn hoá chất phun phòng dịch lại đang thiếu hụt với số lượng khá lớn đang làm chính quyền nhiều địa phương tỏ ra lo lắng trong công tác phòng dịch.

Ông Bùi Quang Anh - Cục trưởng Cục Thú y trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, đã tỏ ra nghi ngờ về số lượng lợn mắc dịch tai xanh tăng vọt trong thời gian ngắn ở Thanh Hoá. Trả lời phỏng vấn PV Báo LĐ, ông Trịnh Văn Chiến - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết: Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tai xanh của tỉnh cũng đã đặt ra vấn đề này. Sở NNPTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh yêu cầu rà soát lại mức độ xác thực của số liệu lợn tiêu huỷ theo kiểu bình xét hộ nghèo trong từng thôn, xóm. Theo đó chính những người láng giềng sẽ biết được nhà bên có mấy con lợn, trọng lượng bao nhiêu, tiêu huỷ thế nào... Ngoài ra trong danh sách nhận hỗ trợ sẽ có chữ ký của chủ hộ, trưởng thôn, cán bộ thú y cơ sở, lãnh đạo địa phương. Ông Trịnh Văn Chiến khẳng định, qua kiểm tra có phát hiện một số sai phạm trong việc khai báo.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá chiều tối ngày 9.4, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã khẳng định đang bàn với Bộ Tài chính trình Chính phủ nâng mức hỗ trợ lợn mắc dịch phải tiêu huỷ bằng 70% theo giá thị trường. Việc khôi phục lại đàn lợn là cần kíp, song cơ chế cho dân vay thế nào sẽ phải sớm xem xét quyết định kịp thời giúp người chăn nuôi bớt đi phần khó khăn.

Hơn 8 vạn con lợn bị tiêu huỷ do dịch bệnh

Cục Thú y (Bộ NNPTNT) chiều ngày 9.4 khẳng định, số địa bàn xuất hiện dịch tai xanh trên lợn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn tăng từng ngày và ít nhất đã có tới hơn 81 nghìn con lợn nhiễm bệnh, chết và bị tiêu hủy.

Tổng hợp số liệu cho thấy dịch tai xanh đang tấn công đàn lợn tại 275 xã, phường tại 3 tỉnh và số lợn mắc bệnh chết đã vượt con số 81 nghìn con. Trong khi đó theo chỉ đạo mới nhất của Bộ NNPTNT, toàn bộ số lợn mắc bệnh sẽ bị tiêu hủy triệt để và không giữ để chữa trị.  Bình Nguyên