Trong năm 2014, các hoạt động xây dựng mô hình, chuyển giao, hướng dẫn áp dụng khoa học & công nghệ kỹ thuật tiến bộ cho nông dân đã được Sở Khoa học &Công nghệ chủ động triển khai thực hiện, giúp người nông dân có thể tham gia đầy đủ và áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.
Thông qua dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông chuyển giao, phổ biến kiến thức KH&CN phục vụ quản lý điều hành và phát triển kinh tế - xã hội các xã nông thôn và miền núi, tỉnh Phú Thọ” đã giúp đào tạo cho 56 cán bộ cấp xã bao gồm lãnh đạo Đảng, chính quyền và các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, khuyến nông,... Tập huấn cho 600 lượt người dân là những người trực tiếp được thu hưởng các nguồn thông tin, kiến thức KH&CN vận dụng vào sản xuất và đời sống.
Thông qua chuyên mục KHCN trên truyền hình đã phổ biến giúp cho người nông dân nâng cao nhận thức, áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất như: Tuyên truyền về phát triển giống bưởi Diễn tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Ứng dụng công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng chấm và cá anh vũ tại tỉnh Phú Thọ; Quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Châu Âu nhằm sản xuất chè bền vững tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ; Ứng dụng tiến bộ KHCN để chế biến các phế, phụ phẩm thành sản phẩm viên đốt Biomass; Áp dụng công nghệ vi sinh để sản xuất chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng ở tỉnh Phú Thọ...
Sở Khoa học &Công nghệđã triển khai dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô trong chăn nuôi bò thịt tại huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ với tổng kinh phí 6.000 triệu đồng. Dự án được thực hiện với các mô hình nuôi bò với tỷ lệ bò cái/ bò đực hợp lý và mô hình trồng thâm canh giống cỏ và một số cây thức ăn xanh năng suất cao, chất lượng tốt. Dự án đào tạo 5 kỹ thuật viên và tập huấn chuyển giao công nghệ cho 300 lượt nông dân trong vùng dự án tiếp thu và làm chủ các quy trình kỹ thuật.
Đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông tỉnh Phú Thọ với kinh phí thực hiện 355 triệu đồng. Đề tài đã xây dựng được quy trình sản xuất giống cá Chạch sông và bản hướng dẫn kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Chạch sông trong ao đất. Kết quả của đề tài đã có tác động tốt đối với kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần đưa kiến thức khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nhằm phục vụ phát triển bền vững kinh tế. Kết quả này đã giúp cho người nông dân đưa thêm giống cá Chạch sông vào cơ cấu giống nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập và phát triển kinh tế nông thôn.
Đề tài nghiên cứu và phục tráng quýt đặc sản Đông Khê của huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ có kinh phí thực hiện là 584,8 triệu đồng. Đề tài đã tạo ra được mô hình vườn sản xuất quýt Đông Khê tại các hộ nông dân xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, hiện các cây đang sinh trưởng phát triển tốt. Có 30 hộ nông dân được tiếp nhận tài liệu về kỹ thuật sản xuất quýt Đông khê.
Có thể thấy, việc xây dựng các mô hình đạt hiệu quả cao giúp người nông dân định hướng sản xuất, ứng dụng các kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay vào sản xuất ngày càng hiệu quả hơn, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập cho gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế ở địa phương, từng bước tạo ra vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh chất lượng cao trên địa bàn tỉnh./.