Đến nay, đã tổ chức gần 200 cuộc Hội thảo phổ biến khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, hơn 2.500 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản cho hơn 237.500 lượt cán bộ, hội viên Hội nông dân, Đoàn viên thanh niên nông thôn tham gia và hơn 390 lớp đào tạo nghề cho gần 10.000 lao động nông thôn; chuyển giao hơn 250 quy trình kỹ thuật áp dụng các thành tựu KH&CN mới phục vụ các lĩnh vực sản xuất.Thông qua đó đã giúp người nông dân tiếp cận với nghề mới, nắm bắt, tiến tới làm chủ được các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và đời sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh; đồng thời đẩy mạnh tăng cường mối “liên kết 4 nhà”, giúp nông dân có điều kiện kết nối, tham gia liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hoá. Tính đến nay toàn tỉnh đã hình thành 13 vùng sản xuất lúa hàng hoá (các loại lúa nếp và tẻ thơm...); 25 vùng sản xuất khoai tây, hành tỏi; 26 vùng sản xuất rau xanh tập trung và 8 vùng sản xuất hoa cây cảnh. Trong đó, nhiều vùng sản xuất tập trung cho thu nhập cao như: vùng hành, tỏi ở xã Bình Dương, huyện Gia Bình; xã An Thịnh huyện Lương Tài đạt trên 120 triệu đồng/ha; vùng cà chua ở huyện Yên Phong đạt trên 180 triệu đồng/ha/năm, cà rốt ở các xã Minh Tân, Lai Hạ, Trung Kênh huyện Lương Tài và xã Cao Đức huyện Gia Bình đạt trên 100 triệu đồng/ha; vùng khoai tây ở xã Việt Hùng, xã Quế Tân huyện Quế Võ đạt 80 triệu đồng/ha; vùng chuyên rau ở Hoà Đình phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh đạt 150-200 triệu đồng/ha/năm.