Thực tế cho thấy, với năng suất bình quân 3,5 tấn đến 4,5 tấn/ha của mô hình nuôi công nghiệp; 1,4 đến 1,8 tấn/ha đối với mô hình nuôi bán công nghiệp đặc biệt nuôi bằng công nghệ sinh học cho năng suất 12 tấn/ha, các trang trại nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng đã tạo nguồn hàng hóa lớn chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu. Ước tính, trên 80% trang trại nuôi tôm tại đây hàng năm đạt mức lãi từ 200 triệu đồng trở lên. Nhiều trại đạt mức lãi đến vài tỉ đồng/năm và tổng giá trị sản xuất của các trang trại nuôi tôm tại tỉnh Sóc Trăng mang lại cho xã hội lên đến khoảng 1.500 tỉ đồng/năm.
Mô hình làm kinh tế trang trại trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi tôm sú chính là hướng đi đúng của tỉnh Sóc Trăng trong việc định hình vùng nuôi thủy sản hàng hóa hướng tới xuất khẩu tại các địa bàn khó khăn qua đó giúp quản lý tốt môi trường nước, kiểm soát được dịch bệnh và những rủi ro khác trong quá trình nuôi tôm. Ngoài ra, với việc hình thành những trang trại nuôi tôm lớn giúp người nuôi thuận lợi trong việc áp dụng đồng bộ các kỹ thuật thâm canh đặc biệt là qui trình nuôi theo công nghệ sạch, công nghệ sinh học chẳng những cho năng suất, sản lượng rất cao mà còn bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng tốt phục vụ chế biến xuất khẩu. Tỉnh Sóc Trăng cũng đã thành lập Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh (huyện Long Phú) với 300 hội viên, 26 tổ liên kết sản xuất trên diện tích 2.000 ha mở đường cho việc phát triển mạnh các mô hình hợp tác xã kiểu mới trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản phục vụ phát triển bền vững trong thời gian tới./.