00:00 Số lượt truy cập: 3228280

Sóc Trăng: Nuôi cá trong ruộng lúa, lợi đôi ba đường 

Được đăng : 03/11/2016
Trong vài năm gần đây, nông dân huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã áp dụng mô hình nuôi cá luân canh, xen canh trong ruộng lúa khá hiệu quả. Qua thực tế, mô hình sản xuất này đang mang tính bền vững cao, vừa gia tăng lợi nhuận lại vừa cải thiện môi trường, giảm sâu bệnh trên cây lúa...


Từ hiệu quả thực tiễn của những vụ nuôi trước, diện tích nuôi cá trong ruộng lúa ở Thạnh Trị đã tăng từ 1.800 ha năm 2005 lên 2.286 ha trong năm nay và có thể còn tăng thêm do lợi nhuận của mô hình đang khuyến khích nhiều hộ mở rộng diện tích cá-lúa trong thời gian tới. Tranh thủ các nguồn vốn, năm 2006 Phòng kinh tế huyện Thạnh Trị đã xây dựng 58 mô hình thí điểm nuôi. Theo đó, đầu tư cho mỗi mô hình từ 15 triệu đến 20 triệu đồng trên diện tích từ 1 ha đến 2 ha với các hỗ trợ nạo vét công trình nuôi và một phần con giống. Các loại cá chủ lực được thả nuôi là điêu hồng, rô phi và rô đồng với mật độ 3 con/1m2. Cá giống được nuôi trong ao dưỡng, sau 2-3 tháng thả lên mặt ruộng và chỉ bổ sung 1 phần thức ăn công nghiệp. Cá ăn sâu rầy hại lúa, giúp chu trình trao đổi chất của lúa tốt hơn và phân cá là nguồn phân bón hữu cơ rất tốt cho lúa phát triển.

Từ sự chuyển giao và trình diễn các mô hình, có sự theo dõi, chỉ dẫn của các kỹ sư thuỷ sản, cán bộ kỹ thuật nên hầu hết các mô hình đã và đang cho thu hoạch với lợi nhuận cao, có khi tăng gấp 2 đến 3 lần so với độc canh cây lúa. Điều này đã hấp dẫn bà con tiếp tục nuôi xen canh cá trong ruộng lúa mùa 1 vụ.

Trên thực tế, không ít hộ, sau khi thu hoạch lúa cá xong đã không tiếp tục làm lúa vụ kế tiếp mà cải tạo lại ruộng, be bờ cao, thêm nước vào để nuôi cá rô, cá phi... Theo nông dân, làm như vậy để diệt mầm bệnh lưu tồn của cây lúa như mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá... và vụ lúa sau sẽ tốt hơn.../.