00:00 Số lượt truy cập: 3229292

Sóc Trăng: Thất thu mùa nghêu 

Được đăng : 03/11/2016

Những bãi nghêu vẫn đông người khai thác. Những thương lái vẫn xếp hàng chờ mua nghêu giống. Tuy nhiên, lượng nghêu năm nay chỉ bằng 30% so với những năm trước, nên gần như cả người cào nghêu lẫn người mua nghêu đều cùng chung nỗi buồn thất thu.


Mặt trời đã lên cao nhưng mát vì nhiều mây và có gió mạnh. Giờ này, biển đã lùi khá xa, chỉ còn lại những lạch nước trên một bãi bồi rộng lớn. Đây cũng chính là khu vực tập trung người cào nghêu cám. Từng tốp người với những chiếc vợt cào trên tay đang cố gắng quần thảo trên những lạch nước đã đục ngầu để tìm nghêu cám. Người nào cũng ướt sũng, da nhăn lại, tái nhợt vì ngâm nước đã lâu. Lác đác trên bãi bồi còn có một số người với chiếc móc trên tay và cái xô nhỏ đeo bên hông đang lom khom, căng mắt tìm bắt nghêu thịt.

Cũng như mùa cào nghêu trước, năm nay bãi nghêu Trà Sết (xã Vĩnh Hải, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) vẫn tập trung hàng trăm người mỗi ngày đến cào nghêu. Đa số họ đều là cư dân trong huyện chuyên sống nhờ vào nguồn lợi từ bãi bồi ven biển. Mùa nghêu năm nay đến trễ hơn và lượng nghêu cũng ít hơn so với mọi năm, nên dù đã quá trưa nhưng số người cào nghêu vẫn còn khá đông. Ba mẹ con chị Thạch Thị Tha cào từ sáng tới giờ chỉ được mớ nghêu lẫn tạp chất trong chiếc thau ước chừng 1kg. Cả chị Tha và người thu mua đều căng mắt nhìn vào thau đựng mớ nghêu của chị để đánh giá tỷ lệ nghêu giống trong đó. Cuối cùng nó cũng được định giá 60 ngàn đồng trong tiếng thở phào của chị Tha. Tôi lân la hỏi: “Sao mớ nghêu nhiều vậy mà được có 60 chục ngàn à”! Biết tôi không phải là dân địa phương, chị cười nhẹ nói: “Được vậy là trúng lắm rồi vì năm nay nghêu ít lắm. Mấy hôm trước ba mẹ con cào cả buổi chỉ được 30 - 40 chục ngàn. Mọi năm có ngày cào được tới 1 - 2 trăm ngàn, còn năm nay ai cũng thất hết”.

Chúng tôi tiếp tục lang thang đến những điểm thu mua khác tại bãi nghêu và ở đâu cũng đều nghe dân cào nghêu và người thu mua than vãn chuyện thất bát ở mùa nghêu này. Anh thanh niên đang phụ trách việc đánh giá tỷ lệ nghêu thuê cho thương lái cho biết: “Năm nay thất quá, tỷ lệ nghêu giống cào được chỉ bằng 20 - 30% so với mọi năm nên giá bán cao nhất cũng chỉ 200 - 300 ngàn đồng/kg, còn mọi năm có khi lên đến cả triệu đồng/kg. Bởi vậy, năm nay hầu hết đều mua mớ chứ ít khi phải cân lắm. Tôi mua từ sáng tới giờ chỉ mới hơn chục ký mà muốn mờ mắt rồi vì phải coi thật kỹ, nếu không chủ sẽ không mướn nữa đâu”.

Rời bãi nghêu Trà Sết, chúng tôi ngược trở về Hợp tác xã khai thác nghêu Cù Lao Dung - nơi cũng có bãi nghêu rộng hàng trăm ha. Vừa tiếp xúc với chúng tôi, Chủ nhiệm HTX - Ngô Văn Hưởng đã than: “Năm nay nghêu thất quá, sản lượng khai thác chỉ bằng 30% năm rồi, cuối vụ không biết lấy gì để chia cho xã viên đây”. Cũng theo chủ nhiệm Hưởng cho biết, năm nay do mưa sớm nên lượng nghêu giống giảm. Đã vậy, nguồn nghêu bố mẹ cũng bị ngư dân các địa phương khác đến khai thác vô tội vạ càng làm cho lượng nghêu giống giảm mạnh. Chủ nhiệm Hưởng lo lắng: “Nếu không ngăn chặn được tình trạng khai thác nghêu bố mẹ như hiện nay thì nguồn lợi nghêu giống sẽ bị cạn kiệt mất. Tuy nhiên, việc quản lý rất khó vì số tàu từ nơi khác đến khai thác hàng trăm chiếc không cách gì ngăn chặn được”. Còn theo tin từ địa phương và thanh tra Sở NN&PTNT Sóc Trăng, đã xảy ra ẩu đả trên bãi nghêu Cù Lao Dung này giữa người dân địa phương với ngư dân từ Vĩnh Châu qua.

Ngoài hai nguyên nhân mưa sớm và nghêu bố mẹ bị khai thác triệt để, cũng còn một nguyên nhân khác làm giảm sản lượng nghêu giống là phương thức khai thác của người dân hiện nay được coi là hình thức huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản này. Nếu như tại bãi nghêu Trà Sết, mỗi ngày hàng trăm người cào liên tục từ đầu cho đến cuối vụ, thì tại bãi nghêu Cù Lao Dung cũng có hàng trăm ghe cào mỗi ngày khi vào vụ. Theo kinh nghiệm của HTX Rạng Đông (Bến Tre), việc đưa ghe cào vào bãi nghêu giống là điều cấm kỵ vì nó sẽ phá vỡ môi trường sống của nghêu. Một ngư dân chuyên khai thác nghêu cho biết, bình thường lớp đứng chỉ lún khoảng ngang đầu gối, nhưng sau mùa nghêu thì đến ngang ngực.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ bảo vệ nguồn lợi thủy sản bức xúc nói: “Hình thức khai thác như hiện nay là một hình thức mang tính huỷ diệt. Không ai đem máy vô cào nghêu cám bao giờ vì nghêu rất dễ vỡ và môi trường bị xáo trộn. Phải cào tay, sau đó chuyển về vùng nước khác thuận lợi để ương lên nghêu giống bán mới có lợi nhuận cao hơn. Đặc biệt, không được phép khai thác nguồn nghêu bố mẹ một cách vô tại vạ như hiện nay”.