00:00 Số lượt truy cập: 3229932

Sơn Động hướng tới cánh đồng thu nhập cao 

Được đăng : 03/11/2016

Mặc dù những năm qua, huyện Sơn Động đã đưa nhiều giống cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất song diện tích còn nhỏ lẻ, chưa hình thành cánh đồng chuyên canh, thiếu nước tưới… khiến cho việc xây dựng cánh đồng thu nhập cao vẫn chỉ là mục tiêu đang được địa phương quan tâm, chú trọng.


Là huyện vùng cao duy nhất của tỉnh, phong tục tập quán canh tác lạc hậu, chậm ứng dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, mạng lưới thuỷ lợi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất…là những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung cũng như mục tiêu xây dựng những cánh đồng thu nhập cao của Sơn Động nói riêng.  Với mục tiêu từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, năm 2000, Huyện uỷ Sơn Động có Nghị quyết số 39/NQ-HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất. Nếu như trước đó bà con nông dân nơi đây quen canh tác 2 vụ thì ngay sau khi có Nghị quyết 39, cấp uỷ, chính quyền các cấp trong huyện đã vận động nhân dân mở rộng thêm diện tích vụ đông. Ông Hoàng Duy San, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT Sơn Động cho biết:

Trước đây, cấy lúa xuân và làm mùa xong là bà con lại để không đất. Để bà con tiếp cận và làm quen với sản xuất vụ đông, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương vận động bà con từ việc áp dụng đúng khung thời vụ, lựa chọn cây trồng hợp lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên sau 1 năm bà con đã làm quen với việc luân canh 3 vụ/năm. Nhiều giống lúa lai, lúa thuần như: Nhị ưu 838, KD18, Q5 hay ngô lai như: CP999, HK4…cho năng suất cao đã được bà con áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.

 Nông dân Tuấn Đạo trồng ngô đông luân canh tăng vụ.

Tuy nhiên, với công thức luân canh 2 lúa, 1 màu (chủ yếu là ngô) thì giá trị mang lại chỉ đạt 30-40 triệu đồng/ha/năm. Ba năm trở lại đây, thực hiện phong trào xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, Sơn Động đã bổ sung nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất như: dưa bao tử, ngô ngọt, gấc lai. Để hỗ trợ nhân dân nhanh chóng tiếp cận và sản xuất đại trà những cây trồng này, mỗi năm huyện trích ngân sách hơn 200 triệu đồng hỗ trợ và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia.

Trong 3 năm qua, toàn huyện đã trồng được gần 100 ha rau chế biến tại những chân ruộng thuận nguồn nước canh tác theo công thức luân canh: dưa bao tử vụ xuân - lúa mùa - dưa bao tử vụ đông. Công thức luân canh này đã mang lại thu nhập bình quân 70-80 triệu đồng/ha/năm song diện tích này không tập trung hình thành những cánh đồng mà nằm rải rác ở các xã: Long Sơn, Dương Hưu, An Lập, Vĩnh Khương, Lệ Viễn và Chiên Sơn. Với tiêu chí diện tích canh tác tập trung phải từ 3 ha trở lên mới đạt cánh đồng cho thu nhập cao nên Sơn Động chưa có những cánh đồng này. Ông Đàm Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã An Lập cho hay cây dưa bao tử đòi hỏi quy trình trồng, chăm sóc ngặt nghèo trong khi không ít bà con vẫn quen tập quán canh tác cũ nên khó có thể mở rộng diện tích. Mặt khác, trước khi sản xuất những cây trồng này đều phải ký hợp đồng với các doanh nghiệp bao tiêu nên địa phương không dám tự ý mở rộng diện tích.

Thời gian qua mạng lưới thuỷ lợi của địa phương đã được Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.Vài năm trở lại đây, do hạn hán liên tiếp xảy ra nên diện tích đất canh tác vốn manh mún lại bị thu hẹp vì thiếu nước sản xuất. Đây cũng là một trong những khó khăn của Sơn Động khi thực hiện phong trào xây dựng cánh đồng thu nhập cao. Ông Chu Quý Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động nói: “ Thời gian qua, việc áp dụng những cây trồng mới vào sản xuất vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao đã góp phần quan trọng trong quá trình thực hiện cánh đồng cho thu nhập cao. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích vụ đông đã dần bị thu hẹp do thiếu nước sản xuất. Hiện nay, nguồn nước ở các ao, hồ, đập được chôn trữ chỉ đủ phục vụ cho sản xuất vụ chiêm xuân và vụ mùa nên mục tiêu xây dựng những cánh đồng cho thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm rất khó khăn.

Những hạn chế trên là nguyên nhân cơ bản khiến Sơn Động chưa có những cánh đồng cho thu nhập cao. Theo ông Minh, Sơn Động đang được đầu tư theo tinh thần Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ huyện nghèo. Thời gian tới huyện sẽ tập trung việc quy hoạch lại mạng lưới thuỷ lợi trên cơ sở đó đầu tư xây dựng hệ thống này kiên cố bảo đảm chủ động cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển nông nghiệp nói chung và xây dựng cánh đồng thu nhập cao nói riêng. Cùng đó, huyện cũng sớm lựa chọn và xây dựng mô hình điểm những cánh đồng chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao tại một số xã, thị trấn có điều kiện canh tác thuận lợi từ đó nhân rộng trên địa bàn. Và việc lựa chọn cơ cấu cây trồng và áp dụng các công thức luân canh hợp lý, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà” cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những cánh đồng thu nhập cao ở Sơn Động trong thời gian tới.