00:00 Số lượt truy cập: 3228197

Sơn La: Canh tác cây sắn trên đất dốc - hướng đi khả quan 

Được đăng : 03/11/2016

Tỉnh Sơn La có trên 28 nghìn ha sắn được trồng hằng năm. Cây sắn thích ứng với đất đai và điều kiện khí hậu của tỉnh; củ sắn được sử dụng chủ yếu làm thức ăn chăn nuôi và là nguyên liệu trong công nghiệp chế biến. Sắn đang trở thành cây trồng góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.



Nông dân bản Bó Phúc, xã Mường Khiêng thu hoạch sắn


Trước đây, bà con nông dân trong tỉnh chủ yếu trồng giống sắn địa phương, theo phương pháp quảng canh, ít chú ý đến việc chăm bón; phương thức sản xuất cũ khiến đất bị rửa trôi, nhanh bạc mầu và hoang hóa; sự thoái hóa của giống sắn địa phương khiến sản lượng sắn giảm mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Trước thực tế đó, Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La thực hiện “Dự án phát triển sắn bền vững trên đất dốc” tại các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, quy mô: 27 ha, 135 hộ nông dân tham gia (mỗi huyện trồng 9 ha, 45 hộ dân tham gia).

Hai giống sắn nhập nội được đưa vào trồng trong mô hình là KM94 và KM98-7, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống quốc gia. Thực hiện mô hình, các hộ nông dân được hỗ trợ 100% giống và 50% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập huấn cho 270 lượt nông dân tham gia mô hình và tuyên truyền nhân rộng mô hình cho 100 lượt nông dân tại các huyện thực hiện Dự án; tổ chức hội thao tuyên truyền mô hình cho 100 nông dân huyện Thuận Châu. Qua đó, nông dân nắm bắt được kỹ thuật canh tác sắn trên đất dốc theo phương thức nông lâm kết hợp, trồng xen canh sắn với các loại cây họ đậu và các giống cây ngắn ngày khác theo đường đồng mức nhằm mục đích cải tạo đất, hạn chế rửa trôi, giữ ẩm và hạn chế cỏ dại.

Tại mô hình, sắn được trồng xen cây lạc (giống lạc L14), giữa 2 hàng sắn trồng xen 1 hàng lạc, ở giữa làm băng trồng cỏ zurri, cỏ VA06 (băng cỏ rộng 1m, khoảng cách giữa các băng là 8m, trồng theo đường đồng mức). Sau khi thu hoạch lạc, phần thân, rễ và lá cây lạc dùng che phủ gốc sắn nhằm duy trì độ ẩm của đất, hạn chế cỏ dại, khi hoai mục sẽ trả lại cho đất một phần chất hữu cơ... Theo các hộ thực hiện mô hình, 2 giống sắn cao sản KM94 và KM98-7 dễ trồng, sinh trưởng phát triển tốt, không có sâu bệnh phá hoại, tỷ lệ sống đạt 90-95%, năng suất sắn tươi đạt trung bình 34 tấn/ha, lạc 12 tạ/ha.

Tại hội thảo tổ chức ở bản Bó Phúc, xã Mường Khiêng (Thuận Châu) ngày 14/11/2013, ông Tòng Văn Tạo - hộ thực hiện mô hình cho biết nhà ông trồng 3.000m2 giống sắn KM94. Ông thấy cây sắn dễ trồng, tỉ lệ sống cao, thân cây to, khỏe, ít sâu bệnh. Vụ này gia đình ông thu 10 tấn củ tươi, ngoài ra thu thêm từ lạc trồng xen của mô hình và có thêm cỏ làm thức ăn cho trâu bò... Cũng tại buổi hội thảo, ông Lường Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Mường Khiêng cho hay: từ hiệu quả của mô hình, các vụ sắn tiếp theo xã sẽ tuyên truyền, vận động người dân các bản trong xã nhân rộng lên 300 ha trong toàn xã.

Nhân rộng mô hình canh tác sắn bền vững trên đất dốc là hướng đi khả quan, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng của cây sắn, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nâng cao đời sống cho người dân mà còn góp phần xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu bền vững, phục vụ Nhà máy chế biến tinh bột sắn của tỉnh.

Thái Bảo - Báo Sơn La