00:00 Số lượt truy cập: 2638179

Sử dụng máy dò ngang trong nghề lưới vây 

Được đăng : 03/11/2016
Máy dò ngang (sonar) sử dụng trên các tàu lưới vây đã được ứng dụng và thành công từ năm 2007.

Lắp máy dò ngang Sonar

Thành công bước đầu từ trên tàu vây QB 99126-TS của ông Nguyễn Văn Phong, thôn Sa Đông, xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. Đến nay máy dò ngang đã thực sử trở thành thiết bị hỗ trợ đánh bắt không thể thiếu trên tàu của ngư dân làm nghề lưới vây ở nhiều địa phương như Quảng Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận… bởi tính ưu việt của thiết bị như phát hiện đàn cá chính xác ở các hướng, đánh giá đúng đặc điểm đàn cá về mật độ, độ sâu, hướng di chuyển, tốc độ di chuyển, ước tính sản lượng để đi đến quyết định có đánh bắt hay không. Nhờ đó mà tiết kiệm được nhiên liệu, sức lao động, khai thác trúng đàn cá, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Tại xã Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, nhờ triển khai mô hình cải tiến lưới vây mà nhiều tàu thuyền được đầu tư thêm máy móc thiết bị kỹ thuật, đồng thời tổ chức lại sản xuất theo tổ đội từ 4-6 tàu đánh cá. Rút kinh nghiệm từ kết quả thực hiện mô hình khuyến ngư “ứng dụng máy dò ngang trong nghề lưới vây” của địa phương, ông Phạm Gia Thanh đã mạnh dạn trang bị máy sonar CSL-1000 (JMC) có phần mềm hiển thị bằng tiếng Việt và cho kết quả khả quan, trong 2 tháng đầu năm 2009, với 3 chuyến biển đã có thu nhập 1,3 tỷ đồng, năng suất cao gấp 5 lần trung bình tàu cùng cỡ.

Ngoài ra, cùng sử dụng loại máy này có hiệu quả như ông La Văn Bộ, chủ tàu ở thôn Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát hay 3 anh em gia đình nhà ông La Văn Bông ở thôn Vĩnh Lợi, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, Bình Định cũng đã giàu lên nhờ biết ứng dụng và khai thác có hiệu quả.

Máy dò ngang sonar là thiết bị hàng hải điện tử kỹ thuật cao, qua thực tế nhiều ngư dân đã thấy rằng sử dụng máy này cho khai thác là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khi sử dụng loại máy này cũng cần phải lưu ý đến cách sử dụng máy, kết hợp phương pháp đánh bắt phù hợp, kinh nghiệm, kiến thức.