00:00 Số lượt truy cập: 3230889

Sức sống một vùng chè 

Được đăng : 03/11/2016

Cây chè là nguồn sống chính của cư dân xã Minh Lập, Đồng Hỷ, Thái Nguyên. Từ 3 năm nay, mỗi năm nông dân Minh Lập cung cấp cho thị trường từ 600 đến 650 tấn chè búp khô thu về khoảng trên 32 tỷ đồng.


Tháng Mười, vùng đất xã Minh Lập, Đồng Hỷ, chè vẫn tủa búp xanh. Ngay ngọn đồi thuộc xóm Cà Phê 2, hơn chục nông dân đang tất bật thu hái, chuyển về nhà sao sấy. Ông Âu Văn Thắng, chủ nhân của nương chè cành rộng hơn 5 sào này vui vẻ cho biết: Năm 1998, gia đình tôi đi mua hạt giống chè về trồng, đến năm 2003, lúc chè bắt đầu cho thu hoạch rộ, gia đình tôi quyết định phá hết, trồng lại bằng chè cành giống mới, có năng suất - chất lượng cao. Bấy giờ có người bảo hâm, nhưng nay thì ai cũng công nhận tôi gan to, chịu tiếp thu cái mới... Đoạn ông tiếp lời: Tại thời điểm này 1 kg chè cành có giá bán 70.000 đồng; 1 kg chè trung du có giá bán 45.000 đồng.

Ông Đặng Đức Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Cây chè là nguồn sống của cư dân xã Minh Lập, năm 2002, Đảng uỷ xã có Nghị quyết chuyển đổi dần những diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng chè, ưu tiên chè cành giống mới LDP 1, TRI 777. Đến nay, 1.517 hộ, thuộc 19 xóm của xã đã chuyển đổi được trên 40 ha đất sang trồng chè, nâng tổng diện tích chè của xã lên 350 ha, trong đó có hơn 320 ha chè đang cho thu hái, với năng suất đạt trung bình 100 tạ búp tươi/ha, sản luợng chè búp tươi năm 2008 dự kiến đạt 3.200 tấn.

Để chúng tôi hiểu đầy đủ hơn về vùng chè Minh Lập, ông Hoà cho hay: Vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, nông dân xã Minh Lập về các xã Tân Cương, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) và thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) nhặt hạt giống về trồng. Bắt đầu từ 2 xóm Cài Thổ và Cài Trại (nay là xóm Trại Cài 1 và xóm Trại Cài 2), cây chè phát triển dần sang các xóm lân cận. Dần dần bà con theo nhau đầu tư cho phát triển cây chè thay thế cây mía và các loại cây hoa màu khác. Cây chè là nguồn sống chính của cư dân xã Minh Lập,Từ 3 năm nay, mỗi năm nông dân Minh Lập cung cấp cho thị trường từ 600 đến 650 tấn chè búp khô thu về khoảng trên 32 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tĩnh, xóm Cà Phê 2, một trong những hộ sản xuất chè giỏi của xã đã tâm sự: Người tiêu dùng biết đến chè Trại Cài (Minh Lập) vì chất lượng chè vượt trội so với các vùng khác. Để giữ thương hiệu, nhiều nông dân tập trung sản xuất chè đặc sản, số lượng chè thu hoạch có thể giảm hơn nhưng giá trị kinh tế đạt cao hơn. Điển hình như gia đình ông Dương Văn Dũng, xóm Ao Sơn; gia đình ông Quách Văn Đông, xóm Cà Phê 1; gia đình ông Đinh Xuân Kiểm, xóm Sông Cầu... đầu tư làm chè chất lượng cao, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, có vụ bán được 150.000 đồng/kg.

Ông Phạm Hồng Vinh, Chủ nhiệm HTX Hương Trà thông báo với chúng tôi tin vui: Năm 2008 này, 10 hộ dân trong xã tham gia HTX sản xuất chè an toàn đã được Sở Nông nghiệp - PTNT trao Quyết định chứng nhận 5 ha chè của HTX đủ điều kiện sản xuất chè an toàn... Từ kỹ thuật sản xuất chè an toàn, nông dân đã giảm chi phí mua phân bón, thuốc trừ sâu là 4,8 triệu đồng/ha/năm. Trong khi năng suất chè đạt tương đương so với cách làm truyền thống, chất lượng chè được cơ quan chức năng công nhận đạt cao hơn, người tiêu dùng cũng tín nhiệm hơn.

Thương hiệu - chính là sức sống của một sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Người dân Minh Lập đã làm được điều đó, và biết làm cho thương hiệu chè của vùng đất quê mình trở nên ấn tượng hơn. Nhớ hội chè Xuân năm trước, nông dân Minh Lập đã mang về trình diễn giữa làng chè Thái Nguyên, được Ban Tổ chức trao cho tấm Huy chương Bạc. Thành tích chưa cao, nhưng đó là niềm tự hào của người dân vùng chè Minh Lập.

Ông Đặng Đức Hoà, Phó Chủ tịch UBND xã đã tự tin nói với chúng tôi: Chè Minh Lập có mặt ở khắp thị trường 3 miền đất nước, nhất là sản phẩm chè đông, Minh Lập có hơn 180 ha, bằng trên 50% tổng diện tích chè của xã. Riêng Cài Thổ và Cài Trại cộng lại có 35 ha; xóm Cà Phê 1, Cà Phê 2 có trên 60 ha... Mấy hôm nữa mời ông về Minh Lập nhâm nhi với chúng tôi chén trà Đông, khi ấy ông sẽ được ngắm những vòi rồng phun nước trắng đồi, đẹp như trong tranh ấy.