Hội Nông dân Thành phố và Sở Khoa học & Công nghệ đã ký kết chương trình số 03-CTrPH/HNDT-SKHCN ngày 16 tháng 4 năm 2014 về việc phối hợp hoạt động giai đoạn 2014 - 2015, trên cơ sở chương trình phối hợp, hai ngành đã xây dựng kế hoạch số 37/KH-HNDT-SKHCN ngày 16 tháng 6 năm 2014 về việc triển khai các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2014 - 2015 và đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt kinh phí thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, hai ngành đã triển khai khảo sát nhu cầu về khoa học và công nghệ của nông dân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó lập kế hoạch hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Công tác triển khai các dự án khoa học công nghệ, xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân được triển khai tích cực. Hai ngành đã phối hợp với Viện, Trương Đại học, Trung tâm nghiên cứu triển khai các đề tài: Ứng dụng công nghệ sinh thái trong xử lý nước thải chăn nuôi heo sau biogas tại Hợp tác xã Tiên Phong, huyện Củ Chi; Triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể “Phú Hoà Đông” tại Hợp tác xã làng nghề sản xuất bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi; Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sữa Củ Chi” tại huyện Củ Chi; Xây dựng mô hình trồng chuối giá trị cao tại xã Trung An, huyện Củ Chi; Xây dựng mô hình thực nghiệm xử lý vi sinh nước nuôi tôm bằng vật liệu zeolite tẩm nano bạc tại huyện Cần Giờ; Xây dựng mô hình hồ thu nước chạt trong sản xuất muối tại huyện Cần Giờ; Xây dựng mô hình nuôi ốc hương và tôm thẻ sạch sử dụng chế phẩm oligo-β-glucan chế tạo bằng công nghệ bức xạ tại huyện Cần Giờ; Nhân giống và trồng thực nghiệm cây giảo cổ lam di thực từ Nhật Bản cho hoạt chất saponin cao phục vụ thị trường dược liệu trong nước và xuất khẩu tại huyện Củ Chi; Ứng dụng công nghệ sinh học trong việc nhân giống cây sung Mỹ (Ficus Carica) phục vụ tạo nguồn cây cảnh mới và dược liệu tại huyện Củ Chi; Phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn phường Long Phước quận 9; Sinh sản nhân tạo cá Chạch lửa để làm cá cảnh tại huyện Củ Chi và đề tài Thử nghiệm nuôi cua từ con giống sinh sản nhân tạo tại Cần Giờ.
Hai ngành đã phối hợp triển khai các dự án: Phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học triển khai dự án trồng hoa lan Mokara cắt cành cho các hộ nông dân của huyện Bình Chánh và huyện Củ Chi; Phối hợp với khu Nông nghiệp Công nghệ cao triển khai dự án ứng dụng nhà lưới trong sản xuất rau sạch giúp nông dân trồng rau trái vụ, hạn chế tác hại của sâu bệnh hại rau.
Và phối hợp triển khai các mô hình sản xuất: Phối hợp với Khu Nông nghiệp Công nghệ cao chuyển giao các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Sản xuất dưa lưới trong nhà màng; Sản xuất các loại rau ăn lá (rau muống, xà lách, cải xanh...), rau gia vị (hung quế, ngò gai...), rau ăn quả (dưa leo, cà chua, khổ qua, ớt...) trong nhà màng; Sản xuất các loại hoa lan cắt cành: Dendrobium, mokara và xử lý ra hoa cây hồ điệp; Sản xuất các loại cá dĩa (cá dĩa đỏ, bồ câu, cá lam, cá trắng...); Cung cấp cây lan giống (Giống cây Mokara, Dendrobium, hồ điệp), cây giống rau (ớt, cà tím, dưa lưới).
Với những kết quả đã đạt được trong năm 2014, hai ngành đã đánh giá và đề ra Kế hoạch phối hợp năm 2015 rất cụ thể, nhằm đưa khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.