00:00 Số lượt truy cập: 3230996

TP Hồ Chí Minh: Xây dựng và chuyển giao 10 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian qua, công tác triển khai các dự án khoa học công nghệ, xây dựng và chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân được Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tích cực thực hiện.


Thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Thành phố, chương trình phát triển cây con giống chất lượng cao, Hội Nông dân Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các tổ chức Hội, phòng Kinh tế Quận Huyện và các đơn vị thực hiện chuyển giao ứng dụng công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, bảo vệ môi trường,... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản Thành phố, góp phần xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân. Cụ thể: phổ biến kỹ thuật lai tạo giống, quy trình trồng và quản lý các giống cỏ mới; Quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, công nghệ chăn nuôi bò sữa kỹ thuật cao của Israel; Phương pháp nhân giống và bảo tồn lan Dendro của Việt Nam bằng công nghệ sinh học;...

          Triển khai các dự án khoa học và công nghệ, xây dựng và chuyển giao 10 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cho nông dân gồm: mô hình trồng chuối giá trị cao tại xã Trung An, huyện Củ Chi; mô hình nuôi ốc hương và tôm thẻ sạch cho các hộ nuôi ốc hương và tôm huyện Cần Giờ; mô hình trồng cây sung Mỹ phục vụ tạo nguồn cây cảnh mới và chế biến dược liệu cho các hộ nông dân huyện Củ Chi; mô hình hồ thu trữ nước chạt trong sản xuất muối cho các hộ sản xuất muối trên địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ; mô hình trồng cây giảo cổ lam phục vụ thị trường dược liệu trong nước và xuất khẩu cho các hộ nông dân huyện Củ Chi; mô hình thực nghiệm xử lý vi sinh nước nuôi tôm cho các hộ nuôi tôm huyện Cần Giờ; mô hình nuôi cua thịt (Scylla paramamosain) từ con giống sinh sản nhân tạo cho các hộ nuôi cua tại huyện Nhà Bè; thiết kế, chế tạo máy thu hoạch nghêu cho người dân huyện Cần Giờ; mô hình máy sấy cá dứa cho các hộ sản xuất khô cá dứa huyện Cần Giờ; mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái trong xử lý nước thải chăn nuôi heo sau biogas nhằm đáp ứng quy trình thực hành nông nghiệp tốt... Bên cạnh đó, nhiều đề tài nghiên cứu về quy trình sản xuất rau an toàn hay dự án ứng dụng nhà lưới trong sản xuất rau sạch ở khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã giúp nông dân trồng rau trái vụ, hạn chế tác hại của sâu bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong năm 2015, Hội Nông dân Thành phố phối hợp Sở Khoa học & Công nghệ nghiên cứu cải tiến thiết bị sản xuất bánh tráng cho hộ nông dân huyện Hóc Môn qua đó đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu.

          Ngoài ra, thông qua sự liên kết giữa các đơn vị đã triển khai xây dựng nhãn hiệu chứng nhận "sữa Củ Chi"; nhãn hiệu tập thể "Phú Hòa Đông" cho Hợp tác xã làng nghề sản xuất bánh tráng Phú Hòa Đông huyện Củ Chi, nhãn hiệu bánh tráng Minh Linh cho cơ sở sản xuất và xuất khẩu bánh tráng Minh Linh; đăng ký sở hữu trí tuệ cho hệ thống tưới tiêu thông qua tin nhắn điện thoại của nông dân quận Bình Tân;...nhằm hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống cũng như khẳng định chất lượng của các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của thành phố, góp phần thúc đẩy xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản./.