Phá sản sau những vụ tôm thất bát liên tiếp, nhiều gia đình ở TT - Huế đành bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để tha phương cầu thực kiếm kế sinh nhai.
Những ngày qua, tôm nuôi của nông dân ở vùng này bỗng nhiên chết hàng loạt. Tôm chết đã đẩy hàng ngàn người dân rơi vào cảnh khó khăn, trắng tay, nợ nần chồng chất.
80% hộ thành con nợ của... tôm
Cánh đồng "tôm chết". Ảnh: Ngọc Lan.
Gia đình anh Nguyễn Hữu và chị Nguyễn Thị Ngọc ở thôn 1, xã vinh Thanh, huyện Phú Vang sững sờ nhớ lại tôm chết trắng đồng cách đây 2 ngày. Trước đây, anhHữu chuyên đi bán kẹo kéo, còn chị Ngọc hàng ngày bưng thúng, bán mũng ở chợ quê. Những lúc rảnh rỗi, ai thuê mướn gì chị cũng làm tất.
Mặc dầu quần quật làm ăn nhưng cuộc sống của gia đình chị Ngọc vẫn thiếu trước hụt sau. “Mấy đứa con ngày càng lớn, học hành càng tốn kém. Với hy vọng có tiền nuôi con ăn học đến nơi, đến chốn, cách đây 3 tháng, tui đã cắm thẻ đỏ vay ngân hàng nông nghiệp 25 triệu đồng để đầu tư nuôi tôm”- anh Hữu nhớ lại.
Không ngờ tôm mới bằng ngón tay, thì đã chết hàng loạt. Lúc đầu tôm chết chiếm khoảng 1/3 diện tích, vợ chồng chị Ngọc rất buồn nhưng số tôm khỏe mạnh còn lại cũng là niềm an ủi, động viên. Nhưng không ngờ, sáng hôm sau ra đồng cho tôm ăn, mới phát hiện tôm chết nổi lênh láng trên mặt nước.
“Từ ngày đào ao, thả tôm, rồi đến canh chừng tôm sợ ăn trộm, cả 3 tháng ni, vợ chồng tui mất ăn mất ngủ. Chừ tôm chết rồi, lại ôm một cục nợ, không biết lấy tiền mô ra trả cho ngân hàng”. Tôm chết, nợ nần chồng chất, không còn cách nào khác, vợ chồng ông Hữu đành hồi nghề bán kẹo kéo để đắp đổi qua ngày.Chị Ngọc nhặt tôm chết để gỡ gạc chút gì đó gọi là ...vốn! Ảnh: Ngọc Lan.
Ngồi trong căn nhà xụp xệ, anh Hữu buồn áo não: “Để bán được thùng kẹo kéo này, tui phải đạp xe gần cả 50 cây số, sáng sớm đã lên đường, chập tối mới trở về nhưng chỉ kiếm được 10 ngàn. Không đủ tiền mua gạo cho con ăn, lấy mô ra tiền mà trả lãi cho ngân hàng”.
Tôm nhiễm bệnh đốm trắng chết trắng đồngcòn xảy ra ở các xã: Vinh Hà, Vinh An, Vinh Phú, Vinh Xuân, Phú Xuân huyện Phú Vang và các xã: Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Vinh Hưng…huyện Phú Lộc và thị trấn Sịa, Quảng Phước, Quảng An…huyện Quảng Điền...
Ông Nguyễn Văn Trí ở xóm Cồn, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc nhìn cả dãy hồ trống vắng tôm mà lòng não nề. Sau những năm bôn ba làm thợ hồ ở Campuchia, ông Trí đã dành dụm được 30 triệu đồng. Nay, đã bước qua tuổi 50, ông quyết dành số tiền đó để đầu tư nuôi tôm và mong lấy đó để trang trải chuyện học hành cho con cái.
"Tui hỏi chi cục bảo vệ thực vật vì sao tôm nhà tui chết, mới biết là do chất lượng nguồn giống kém”- ông Trí bần thần kể.
“Bao nhiêu vốn liếng của gia đình tui giành dụm 20 năm nay đều đội nón “ra đi”. Mấy ngày vừa qua, vợ tui như người mất hồn vì xót của. Tui cũng chán nản lắm! Rồi không biết, cuộc sống của 6 mạng người sẽ đi về mô”- ông Trí tiếp lời.
Nếu như ở một số tỉnh miền Tây nhờ nuôi tôm mà nhiều gia đình tậu được nhà lầu, xe hơi thì ở Ông Trần Kim Tánh héo ruột vì tôm chết non! Ảnh: Ngọc Lan.
TT-Huế, khoảng 80% số hộ nuôi tôm trở thành con nợ của ngân hàng. Tính đến nay, số tiền hàng ngàn hộ dân nuôi tôm thất bát nợ các ngân hàng ở TT-Huế lên đến gần 100 tỷ đồng.
Nằm ven phá Tam Giang, xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc là địa phương tiên phong trong việc nuôi tôm. Thế nhưng, nhiều năm liền do nuôi tôm thua lỗ nên 95% hộ dân ở đây dều trở thành con nợ của tôm.
Với quyết tâm làm giàu, năm 1998, ông Nguyễn Văn Thí ở xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc đã mở rộng diện tích nuôi với quy mô lớn. Và để có tiền đầu tư, ông đã mượn sổ đỏ của bà con và gia đình cắm ngân hàng vay 50 triệu đồng. Và năm đó, không biết vì sao tôm giống mới thả 2 tuần đã chết hàng loạt. Cả nhà trắng tay. Nợ nần chồng chất.
Với suy nghĩ chỉ có nuôi tôm mới trả nợ được cho con tôm, ông Trí lại chạy vạy khắp nơi để có tiền đào ao, mua giống thả tôm, nhưng rồi tôm cứ thả xuống đợt nào là chết đợt nấy.
Ông Lê Túy, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc buồn bã, nói: “Cũng vì theo đuôi con tôm mà người dân trong làng đều trở thành con nợ của tôm. Trong đó, khoảng 70% hộ dân nợ quá hạn và 50% hộ không thể hoàn trả cả gốc lẫn lãi”.
Bỏ xứ vào Nam, ra Bắc để… trốn nợ tôm
Làng quê Lộc Bình xác xơ vì tôm chết liền mấy vụ. Ảnh: Ngọc Lan.
Xã Quảng An, huyện Quảng Điền có 147 diện tích nuôi tôm thì năm nay chỉ thả 60ha. Ông Đặng Viết Nước, Phó chủ tịch UBND xã Quảng An ngậm ngùi: “Mấy năm nay, tôm chết triền miên, nhiều gia đình lâm nợ, khó khăn chồng chất. Sau những vụ tôm thất bát, một số gia đình đã di cư ra Bắc, vào Nam để trốn nợ ngân hàng. Riêng đối với xã, số tiền người dân nợ ngân hàng do nuôi tôm thua lỗ trên 10 tỷ đồng”.
Phần lớn, những hộ nuôi tôm đều có hoàn cảnh khó khăn. Không có vốn nên họ đành thế chấp nhà, đất để vay tiền đầu tư làm ăn. Các ông Trương Thái Bình, Trương Khâu, Văn Đình Cảnh…ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền đều nợ ngân hàng từ 70 đến 100 triệu đồng.
Ông Trần Hữu Cúc ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền từng được người dân mệnh danh là “đại gia” nuôi tôm của xã nhưng bây giờ cả gia đình ông cũng lao đao theo con tôm. Gần đây thấy nhà ông Cúc vắng người, đóng cửa, bà con xung quanh cho biết, ông Cúc nợ ngân hàng và vay mượn bên ngoài lên đến gần 400 triệu đồng. Do nhà thế chấp nên giờ bị nhà ông bị nhà nước niêm phong.
“Ông Cúc làm ăn chăm chỉ lắm. Năm nào đến vụ tôm, ông cũng tất bật đào ao giúp bà con hàng xóm. Mà không rêng gì ông Cúc, ở làng này, gần trăm hộ dân đã dắt díu nhau ra Bắc, vào Nam để trốn nợ, làm thuê kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Phần lớn thanh niên trong làng phải bỏ học nữa chừng ra Hà Nội làm thợ gò hàn”- một người hàng xóm ông Cúc cho hay.
Cách đây mấy ngày, vợ chồng ông Phan Hữu Lương và bà Hồ Thị Dấm ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang cũng đã dứt áo ra đi khi tôm chết, nợ nần chồng chất. Nhìn những bộ áo quần xếp sẵn trong bao lát chuẩn bị mai lên đường, bà Dấm nước mắt ngắn, dài: “Chồng tui vô Sài Gòn được gần một tháng rồi. Thấy ông ấy lang thang kiếm việc, một chủ quán bán bún thấy thương tình nên kêu vào làm bưng bê và dắt xe đạp”. Chủ nhà đã bỏ xứ vào Nam để... trốn nợ nuôi tôm. Ảnh: Ngọc Lan.
“Cách đây mấy ngày, người quen ở trong Sài Gòn gọi cũng điện ra báo, đã xin được cho tui một chân giúp việc. Sáng sớm mai, tui đi xe thồ ra quốc lộ, bắt xe vô Nam. Tui mong trời cho sức khỏe, làm lụng kiếm chút tiền gởi ra để nuôi các con học hành đến nơi, đến chốn”- bà Dấm tiếp lời.
Nếu như tôm không chết, gia đình bà Dấm không đến nỗi túng quẫn, chồng một đường, vợ một ngả, con cái chia lìa và phải di cư vào Nam để trốn nợ. Vợ chồng bà Dấm bỏ xứ vào Nam để lại bầy con nhỏ ở nhà đợi ngày bố mẹ trở về. Rồi số tiền nợ ngân hàng 30 triệu đồng của gia đình bà không biết khi nào mới trả được.
Hàng ngàn người dân nuôi tôm ở TT-Huế đang sống dở, chết dở, thấp thỏm vì dịch bệnh ở tôm đang bùng phát. Hàng trăm hộ gia đình đã trắng tay, phá sản sau những vụ tôm thất bát liên tiếp. Nhiều gia đình đành bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để tha phương cầu thực kiếm kế sinh nhai.