TT-Huế: Vùng nuôi trồng thủy sản sau đập Thảo Long bị ngọt hóa
Được đăng : 03/11/2016
Gần 100 ha diện tích nuôi tôm, cá, cua khu vực Thuận Hòa B, xã Hương Phong, huyện Hương Trà (vùng sau đập Thảo Long), bị chết hoặc chậm phát triển do tình trạng ngọt hóa vùng trước và sau công trình đập ngăn mặn Thảo Long.
Ông Nguyễn Khôi, một hộ dân nuôi thủy sản không thành công do nguồn nước kể lại: “Năm nay tôi thả nuôi tôm, cua, cá trên diện tích khoảng 3,5 ha. Sau khi đập Thảo Long tiến hành xả nước, một số vật nuôi trong hồ bị chết; riêng cá rất chậm lớn. Vụ vừa qua tôi bị thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. 20 năm gắn bó với nghề, tôi chưa bao giờ gặp phải tình trạng như vậy”.
Theo kết quả kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh TT-Huế, khi công trình thủy điện Bình Điền chính thức vận hành phát điện, đập Thảo Long phải vận hành thường xuyên để điều tiết nước ở cao trình + 0,30; bình quân đập đóng 12 giờ và mở 12 giờ trong ngày. Do đó, vùng trước và sau đập Thảo Long bị ngọt hóa, độ mặn ở hạ lưu đập thấp, dao động từ 0 0/00 - 3 0/00 , không đủ điều kiện nuôi các đối tượng thủy sản nước lợ (độ mặn trong nước để nuôi trồng thủy sản nước lợ > 10 0/00). Hồ thủy điện Bình Điền tích nước năm đầu tiên, các thảm thực vật trong lòng hồ bị phân hủy, chất lượng nước sông Hương có phần ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TT-Huế đang chỉ đạo các ban ngành liên quan sớm xem xét quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, có kế hoạch giúp người dân chuyển đổi vật nuôi phù hợp với điều kiện môi trường
Đập Thảo Long được xem là một công trình thủy lợi trọng điểm; ngoài việc ngăn không cho nước mặn xâm nhập vào sông Hương, sông Bồ; đập còn tăng cường chống lũ cho hồ Tả Trạch; cung cấp nước cho nhu cầu kinh tế, dân sinh, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái vùng đầm phá.