00:00 Số lượt truy cập: 3235595

Tái diễn tình trạng trồng mới cà phê ồ ạt tại Đắc Lắc 

Được đăng : 03/11/2016

Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, mùa mưa năm nay, đồng bào các dân tộc ở các huyện sẽ lại ồ ạt trồng mới thêm nhiều diện tích cà phê, thậm chí trồng cà phê ở vùng đất không chủ động được nước, vùng đất không thích hợp với cây cà phê, như vậy sẽ phá vỡ quy hoạch, kế hoạch phát triển cây cà phê bền vững trên địa bàn.


Thực tế, trong vài năm trở lại đây, nhất là niên vụ cà phê 2007-2008, giá cà phê tăng cao, có lúc tăng lên 42.000 đồng/kg cà phê nhân, người trồng cà phê có lãi cao, nên nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc trong tỉnh lại đổ xô chặt phá các loại cây trồng khác để lấy đất trồng mới cà phê, thậm chí đồng bào trồng cà phê trên những vùng đất bạc màu, đất có độ dốc cao, trên vùng đất sỏi đá lại không chủ động nguồn nước tưới.

Hiện đồng bào các dân tộc ở vùng sâu xã Krông Búk, Vụ Bổn (huyện Krông Pách) đang phát dọn, làm đất, đào hố để mùa mưa này xuống giống trồng mới 50 ha cà phê trên những vùng đất không chủ động được nguồn nước, hoặc đất sỏi đá không thích hợp với cây cà phê. Nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các huyện Krông Năng, Krông Búk, Ea H'Leo, Cư M'Gar, Krông Pách, Ea Kar đang chặt bỏ các vườn điều, vườn cây ăn quả, chuyển đất ngô lai, đất cây nông nghiệp ngắn ngày khác sang trồng cà phê. Gia đình chị Nguyễn Thị Tố Loan, thôn 4, xã Phú Xuân đang chuyển gần 2 ha ngô lai sang trồng cà phê trong mùa mưa này. Các chủ vườn ươm cây cà phê giống cũng cho biết, giá cà phê giống năm nay cũng tăng khá cao, từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng cây cà phê giống, tăng 6.000 đồng/cây so với đầu vụ (đầu tháng 5) của vụ trồng mới cà phê năm ngoái.

Mùa mưa năm 2006- 2007, đồng bào các dân tộc tỉnh Đắc Lắc đã trồng mới gần 10.000 ha cà phê, đưa tổng diện tích cà phê của tỉnh hiện nay tăng lên 178.000 ha, trong khi đó, theo quy hoạch đến năm 2010, cả tỉnh chỉ định hình 170.000 ha. Phần lớn diện tích cà phê mới trồng đều chậm phát triển, do trồng trên những chân đất không thích hợp, hoặc không chủ động được nguồn nước tưới. Ngay trong mùa khô năm nay, nhiều gia đình đầu tư hàng chục triệu đồng đào giếng sâu 20 đến 30 mét mới có nước, nhưng lượng nước cũng không đáp ứng đủ nhu cầu tưới cho cây cà phê kiến thiết cơ bản. Gia đình anh Nguyễn Văn Thêm, ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'Gar) đã đầu tư gần 28 triệu đồng, đào giữa rẫy cà phê mới trồng một giếng nước, có độ sâu gần 30 mét, nhưng mạch nước rất yếu, lượng nước không đủ để bơm tưới cà phê kiến thiết cơ bản. Anh cho biết thêm, nếu mùa mưa này cây cà phê không cầm cự được anh sẽ chuyển sang trồng cây ăn quả, tự làm thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Các ngành chức năng ở tỉnh Đắc Lắc luôn khuyến cáo với nông dân không nên trồng mới cà phê mà chỉ nên tập trung vào đầu tư thâm canh, tăng năng suất, phát triển cây cà phê bền vững, nhưng đồng bào vẫn bỏ mặc, các cấp chính quyền chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu, nên cái điệp khúc được giá là trồng ồ ạt, rớt giá lại chặt bỏ vẫn diễn ra !.