Anh Bùi Văn Quang, cán bộ Trạm khuyến nông - khuyến lâm huyện Tân Lạc cho biết: Năm 2007, từ nguồn vốn của Trung tâm KNKL tỉnh, Trạm đã triển khai mô hình trồng RAT xuống 2 xóm Tân Hương 2 và xóm Sung, xã Tử Nê. Tổng diện tích mô hình là 4 ha với 40 hộ tham gia.
Trên mảnh vườn trước ngôi nhà nhỏ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Loan và anh Vũ Duy Vinh, xóm Tân Hương đang chăm sóc những luống rau cải ngọt, cải canh đã bước vào thời kỳ bán giống. Chị Loan tâm sự: nghề trồng rau ở xóm Tân Hương đã hàng chục năm rồi. Đây cũng là thu nhập chính của cả gia đình chị. Gia đình có trên 2.000 m2 vườn cả năm trồng được 3 lứa rau. Mùa nào thức nấy, các giống rau, đậu, cà chua, dưa chuột đều được trồng tại vườn nhà.
Trung bình mỗi năm, riêng trồng rau cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Năm 2007, được tham gia mô hình trông RAT của huyện, gia đình chị mừng lắm. Nếu trước đây, gia đình chỉ trồng rau theo thói quen, từ khi được học tập trồng theo quy trình mới cũng thấy hiệu quả, sản xuất an toàn hơn. Năm nay, mặc dù không được huyện hỗ trợ nữa nhưng gia đình vẫn trồng rau theo quy trình RAT. Không chỉ gia đình chị Loan, hầu hết 30 hộ dân xóm Tân Hương 2 và nhiều hộ dân xóm Sung đều tuân thủ trồng rau theo đúng quy trình mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn kéo dài vừa qua khiến nhiều diện tích rau của gia đình các xóm Tân Hương 2 và xóm Sung bị hỏng. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của bà con là về hạt giống để khôi phục lại sản xuất sau mưa lũ.
Anh Quang cho biết thêm: Trên địa bàn huyện Tân Lạc số lượng rau trồng không đủ cung cấp cho nhu cầu người dân. Mô hình trồng RAT được nhân rộng rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tuy vậy, theo chị Loan: Trồng rau theo mô hình an toàn đòi hỏi đầu tư chăm sóc nhiều hơn, nhưng giá trị cũng chỉ như rau bình thường. Nhiều khi thu hoạch phải tự chở rau lên tận xã Phú Cường giao bán cũng không đắt, ở đâu cần rau là chúng tôi đem đến. Người trồng rau chúng tôi chỉ mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, có đầu ra ổn định để nghề trồng rau thực sự làm giàu của nông dân.