00:00 Số lượt truy cập: 3230706

Tân Lập bừng sáng 

Được đăng : 03/11/2016

Trưa tháng 10, tiết trời không còn cái nắng gắt gao của mùa hè mà nhường chỗ cho cái se lạnh, hanh khô của mùa thu đông. Xóm làng Tân Lập (Thanh Sơn) sôi động vào vụ thu hoạch lúa. Bà con trong xóm từng đoàn nối nhau gùi thóc về nhà. Dưới đồng, những bông lúa tròn mẩy, óng vàng báo hiệu một vụ mùa bội thu. Trên núi, mùa chuối chín cũng góp thêm sắc vàng cho Tân Lập.


Là một xã miền núi, xã ATK thuộc vùng thượng huyện, Tân Lập nằm ở phía Tây Nam theo tỉnh lộ 316, cách trung tâm huyện 30 km. Với tổng diện tích tự nhiên 3.241ha, trong đó đất nông, lâm nghiệp chiếm hơn 70%, dân số hơn 4.500 khẩu được chia thành 1.012 hộ ở 9 khu dân cư, với 4 dân tộc anh em Mường, Kinh, Dao, Tày cùng sinh sống.

Tuy là một xã xa trung tâm huyện nhưng trong nhiều năm trở lại đây, Tân Lập đã có sự đổi thay rõ rệt. Được ông Đinh Quý Tính, bí thư Đảng ủy xã đưa tới thăm một số hộ dân ở khu Hạ Thành, khu Mít 1, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi cuộc sống của những người dân sống quanh chân núi Chạc, núi Đền lại có được cuộc sống khấm khá đến vậy. Hộ Ông Đặng Đình Điện ở khu Hạ Thành, ngoài một mẫu ruộng, gia đình ông còn có 4ha đồi rừng, chủ yếu trồng cây keo, hơn 7.000 m2 ao thả cá và khoảng 700 con vịt. Mỗi năm trừ các chi phí ông thu về được gần 50 triệu đồng. Ông Điện cho biết: Cả xóm những năm chín mươi chìm trong đói nghèo, tất cả bà con trong khu là đồng bào người Dao. Lối sống du canh du cư, phát nương làm rẫy, săn bắt chim muông thú rừng sống qua ngày, làm lều làm lán ở tạm quanh chân núi. Tụi trẻ trong xóm thì không được đến trường, do đường xá đi lại không thuận tiện, mới lại cái ăn cái mặc còn chưa lo xong nên bà con đâu nghĩ tới việc học cho các con. Cuộc sống hết sức khó khăn.

Từ sau những năm trở lại đây, được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng đường sá, cầu cống, cung cấp các giống cây, giống con, tập huấn KHKT cho bà con, hướng dẫn cho bà con nắm bắt các thông tin tuyên truyền về chăn nuôi, từ đó đời sống sinh hoạt của bà con trong xóm mỗi năm khá dần lên. Hiện tại, khu Hạ Thành có 84 nóc nhà thì có tới 80% nhà có xe máy, bình quân 10 nhà có một điện thoại, nhà cửa chủ yếu được làm bằng nhà gỗ xoan kiên cố. Đường giao thông nông thôn ô tô đi vào tận nơi. Trong khu có 3-4 nhà làm dịch vụ ô tô chở thuê. Không chỉ khu Hạ Thành có sự đổi thay, khu Mít 1 cũng có sự chuyển mình. Hộ nhà anh Tạ Ngọc Hà ngoài làm dịch vụ còn đầu tư chăn nuôi gà, vịt mối năm thu lãi 60 triệu đồng/ năm. Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình anh chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi nhờ vào sự cần cù, chịu khó học hỏi mà gia đình anh chị đã có được thành quả như ngày hôm nay. Có của ăn của để anh chị Hà đã đầu tư cho con cái đi học. Con cả của anh chị đang học Cao đẳng, còn hai cháu nhỏ học cấp 2. Anh Hà tâm sự: Bà con trong khu giờ đây ai cũng mong cho con cái được học hành đến nơi đến chốn. Cái đói nghèo đã không còn nữa, bà con đã chú tâm vào phát triển kinh tế, chủ yếu dựa vào kinh tế đồi rừng và chăn nuôi để đầu tư cho con cái được học hành đến bờ đến bến, đem vốn kiến thức hiểu biết về phục vụ cho quê hương.

Có thể nói, mặc dù Tân Lập là một xã có địa bàn phức tạp, dân cư sống không tập trung song bà con nơi đây đã biết khắc phục những cái khó khăn trước mắt để có cuộc sống ổn định lâu dài. Trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, năng suất lúa lai đạt 49 tạ/ha. Diện tích trồng cây ngô, sắn tuy có giảm song năng suất lại tăng 30% so với năm 2007. Tổng số diện tích rừng che phủ của xã đạt gần 70%. Do làm tốt công tác kiểm tra, tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng nên hơn nửa năm qua trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào và tình trạng buôn bán lâm sản trái phép được ngăn chặn. Tổng số đàn trâu, bò toàn xã là hơn 1.600 con; số lượng gia cầm ngày càng nhiều gần 12 nghìn con. Ngoài ra, xã đang triển khai hơn 10ha mô hình nuôi cá chim trắng cho bà con trong xã học tập và phát triển mở rộng mô hình.

Song song với việc phát triển kinh tế, xã cũng chú trọng các lĩnh vực văn hóa xã hội. Số trẻ đến độ tuổi cắp sách đến trường đều được đi học, xã có đủ 3 cấp học: mầm non, tiểu học, THCS. Hoạt động văn hóa thông tin thể thao đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở khu dân cư và nhà trường phối hợp để tổ chức trong các ngày lễ lớn đã cổ vũ cho các phong trào khác trong xã càng phát triển mạnh mẽ. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của trạm y tế xã được củng cố và nâng cao. Đầu năm 2008, Trạm y tế xã được công nhận trạm chuẩn Quốc gia. Đó là những tín hiệu bừng sáng về cuộc sống đổi thay ở một miền sơn cước.