00:00 Số lượt truy cập: 3235547

Tân Sơn (Phú Thọ) tạo bước đột phá trong sản xuất lương thực 

Được đăng : 03/11/2016
Nhắc tới Tân Sơn người ta nghĩ ngay tới vùng kinh tế khó khăn, chậm phát triển, nhất là lĩnh vực sản xuất lương thực. Trong khi nhiều địa phương khác năng suất lúa đã ở mức 55-56 tạ/ha, bình quân lương thực đầu người đạt 350-450 kg/khẩu thì Tân Sơn vẫn chưa vượt ngưỡng 50 tạ về năng suất và bình quân lương thực trên dưới 250- 280 kg/người. Đây là nỗi trăn trở của lãnh đạo huyện nói chung và những người trực tiếp chỉ đạo, tổ chức sản xuất nông nghiệp nói riêng. Từ khi thành lập huyện, Tân Sơn đã tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển từng bước tạo nên đột phá, tiến tới đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.

Có gần 4.500 ha đất ruộng, song diện tích có khả năng cấy lúa của Tân Sơn chỉ gần 2000 ha, trong đó có 60% là chủ động được nước tưới, còn lại phụ thuộc vào nước trời. Đây là một khó khăn mà nhiều xã, nhiều khu dân cư rất khó đưa năng suất lúa lên. Gặp những năm hạn hán trầm trọng như vụ xuân 2010 thì việc bố trí thời vụ và trà lúa hoàn toàn thụ động, vấn đề thâm canh và phát huy tiềm năng giống mới càng khó. Để khắc phục hạn đảm bảo sản xuất những năm qua huyện đã phải huy động rất nhiều nguồn lực đầu tư củng cố hệ thống hồ đập, các công trình thủy lợi nhỏ, mua sắm máy bơm để lấy nước tưới. Chỉ riêng vụ đông xuân vừa qua huyện đã đầu tư trên 1,2 tỷ đồng mua gần 200 máy bơm nhỏ, dầu… phục vụ cho chống hạn. Những biện pháp khắc phục kịp thời cộng với nỗ lực của nông dân đã đảm bảo gieo cấy hết diện tích.


Trong nhiều yếu tố hạn chế tới phát triển nông nghiệp của Tân Sơn có nguyên nhân chậm thay đổi tập quán sản xuất, đưa tiến bộ kỹ thuật vào đồng ruộng để khai thác tiềm năng đất đai. Thấy rõ điều này nhiều vụ qua huyện đã tập trung chỉ đạo các cơ quan Phòng nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông, Trạm BVTV… tích cực tranh thủ các nguồn đầu tư và hỗ trợ của tỉnh để đưa nhiều giống mới, kỹ thuật thâm canh vào sản xuất đẩy năng suất lúa lên. Thông qua chương trình hỗ trợ giống lúa, ngô, đậu tương cho huyện nghèo và các chương trình nông nghiệp trọng điểm mỗi năm Tân Sơn đã đưa được trên 100 tấn giống lúa, ngô lai vào sản xuất. Riêng vụ đông xuân vừa qua huyện đã tiếp nhận gần 42,5 tấn giống lúa, 5,76 tấn ngô và gần 7 tấn đậu tương giống để gieo trồng. Ngoài ra còn mua thanh toán trả chậm 454 tấn phân bón NPK trả chậm cộng với nguồn khác trên 350 tấn đảm bảo đủ phân bón hóa học thâm canh cây trồng. Để thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân, mỗi năm huyện đã tranh thủ đầu tư của nhiều chương trình mở hàng trăm lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp. Vụ xuân vừa qua, khuyến nông các cấp đã mở 78 lớp tập huấn với gần 3.200 lượt nông dân tham gia, phát 5.000 bộ tài liệu về kỹ thuật sản xuất. Đặc biệt, liên tục trong vài vụ nay, Tân Sơn đã chủ động đưa các mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI), gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay vào sản xuất đạt kết quả tốt. Vừa qua, mô hình SRI kết hợp với sử dụng giống lai mới ở Thu Cúc, Mỹ Thuận, Tân Phú cho năng suất lúa gần 7,2 tấn/ha, thu lãi trên 15 triệu đồng, cao hơn sản xuất truyền thống trên 7 triệu đồng/ha. Ngoài ra huyện cũng đã triển khai ở 14 xã mô hình thí điểm gieo thẳng bằng giàn sạ kéo tay cho năng suất khá, đang tạo được sự quan tâm, hưởng ứng áp dụng của nông dân.


Trong các biện pháp đầu tư ứng dụng KHKT để tạo ra đột biến trong lĩnh vực trồng trọt ở Tân Sơn phải kể tới chỉ đạo thay đổi cơ cấu trà và thay đổi cơ cấu cây trồng. Nếu trước đây trong tập quán sản xuất ở Tân Sơn đa số gieo cấy trà xuân sớm, xuân trung thì nay hầu hết chuyển sang làm trà xuân muộn, mùa sớm. Vụ đông xuân vừa qua tuyệt đại đa số lúa cấy vào trà xuân muộn từ 10 đến 25-2, trong đó lúa lai chiếm 60 % diện tích. Ở vụ mùa trà sớm sẽ chiếm trên 80%, trà mùa trung chỉ còn ở một số chân ruộng gieo cấy giống địa phương. Cây ngô đông đã trở thành tập quán được nhiều vùng áp dụng rộng rãi. Ngoài ra bà con còn tận dụng đất cao hạn, đất gieo cấy kém để trồng khoai lang, khoai tây và một số cây rau đậu khác nên hàng năm diện tích gieo trồng của huyện liên tục tăng.


Về giống, thông qua chính sách trợ giá các giống lúa , ngô hầu hết là giống chủ lực mới nhập nội như: Nhị ưu 838, Nhị ưu số 7, Q. ưu 1, thiên nguyên ưu 16, Ngô C919, LVN 99, NK 4300... Cùng với cây lương thực, các cây đậu tương, lạc xuân… dần trở thành cây trồng chính trong sản xuất. Ngay vụ đầu tiên thí điểm chuyển đổi đất hạn sang trồng đậu tương, trồng lạc, toàn huyện đã trồng được 133 ha đậu tương, đạt 106% KH, tăng 117 ha so với vụ trước; cây lạc xuân đạt 86 ha , tăng gấp 3 lần vụ xuân 2009… Đây là những cây trồng không chỉ khắc phục thời vụ lúc khô hạn mà còn mở ra khả năng thay thế một số cây trồng truyền thống và thay đổi tập quán canh tác của nông dân nhiều xã trước đây thường bỏ hoang chân ruộng chưa chủ động thủy lợi ở vụ chiêm xuân.


Với sự nỗ lực chỉ đạo đầu tư ứng dụng các TBKT, thay đổi tập quán sản xuất, Tân Sơn đã từng bước tạo ra khả năng tang năng suất, sản lượng lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Vụ đông xuân 2010 vừa qua năng suất lúa của huyện bình quân có khả năng đạt trên 50 tạ/ha, sản lượng thóc gần 8.600 tấn; ngô trồng được gần 900 ha,trong đó có gần 590 ha ngô đồi năng suất đạt 40 tạ/ha, sản lượng trên 3.600 tấn. Đi cùng với sản xuất để đảm bảo an ninh lương thực Tân Sơn đang từng bước đưa một số giống lúa, ngô, khoai đặc sản vào sản xuất để khai thác tiềm năng, lợi thế tự nhiên và tạo ra giá trị hàng hóa cao.