00:00 Số lượt truy cập: 3228968

Tây Ninh giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo 

Được đăng : 03/11/2016
Già làng Giao Xiêm cho biết: Bà con dân tộc thiểu số trong ấp Bến Cừ rất phấn khởi vì được hưởng lợi từ Chương trình 134. Tất cả 46 hộ nghèo ở đây đều có nhà kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Giờ thì mọi người chỉ lo gắng sức làm ăn, không còn sợ cảnh dột nát trong mùa mưa nữa...

Giữa tháng 10, đường vào ấp Bến Cừ thuộc xã biên giới Ninh Ðiền (Châu Thành, Tây Ninh) khá lầy lội vì mưa dầm. Ðây là khu vực tập trung khoảng 97 hộ dân tộc Khmer sinh sống từ lâu đời. Do tập quán canh tác chỉ biết trồng lúa, nhưng làm có một vụ, cho nên năng suất thấp, cuộc sống bà con gặp nhiều khó khăn. Ninh Ðiền lại là xã nghèo nhất huyện.

Tuy vậy, khi triển khai Quyết định 134 của Chính phủ, xã đã tập trung cán bộ các ban, ngành đi khảo sát thực tế, lập danh sách các hộ đang gặp khó khăn về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, giếng nước sinh hoạt..., đồng thời họp toàn bộ các hộ dân lấy ý kiến về từng trường hợp.  Hộ nào chưa có đất xây nhà, Ban chỉ đạo, một mặt, vận động xóm làng nhường cơm sẻ áo, mặt khác, lo tiến hành mua đất để xây dựng nhà. Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 10-2006, xã đã hoàn tất xong đợt 1 với 46 căn nhà cấp 4, mỗi hộ đều có một giếng khoan hợp vệ sinh. Theo nguyện vọng của bà con, ngoài số tiền hỗ trợ bảy triệu đồng/nhà, gia đình nào có dư chút ít thì góp thêm vào xây dựng cho căn nhà khá hơn một chút. Ðể tránh xảy ra thất thoát, số vật tư thi công như gạch, cát, xi-măng... được chuyển giao cho từng hộ trực tiếp quản lý, bảo đảm được chất lượng công trình. Theo ông Nguyễn Văn Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ðiền, xã đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi ý nghĩa, mục đích của Chương trình 134 cho người dân hiểu rõ chủ trương của Ðảng và Nhà nước về công tác chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, mọi người đều ủng hộ, thậm chí nhiều gia đình còn lo luôn cơm nước cho thợ để giảm bớt một phần chi phí, lấy đó bù thêm cho ngôi nhà mới được khang trang hơn. Ban chỉ đạo của xã cũng phân công từng người theo dõi, giám sát trực tiếp từng căn nhà, kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nên thời hạn hoàn thành trước quy định đến 52 ngày. Riêng 16 hộ dân tộc thiểu số nghèo ở Bến Cừ mới tách hộ, xã đang đề nghị cấp trên tiếp tục hỗ trợ, cho phép xây dựng nhà ở theo Chương trình 134 để ổn định cuộc sống lâu dài...

Tại khu vực ấp Chăm của xã Suối Dây, huyện Tân Châu, sau hơn hai tháng triển khai Chương trình 134 của Chính phủ, toàn bộ 79 căn nhà đã hoàn thành, bàn giao xong cho bà con dân tộc Chăm với tổng diện tích xây dựng hơn 2.370 m2, tổng kinh phí hơn 690 triệu đồng (có sự đóng góp thêm của bà con ngoài tiêu chuẩn chung). Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã chọn phương án xây dựng theo kiểu bên thi công trực tiếp ký hợp đồng với từng hộ, trên cơ sở tính toán vật tư, quy cách thiết kế và dự toán kinh phí giao cho các hộ theo dõi. Xã cử ra một ban giám sát, khi các hộ đã tập kết xong vật tư được tạm ứng trước 60% giá trị công trình. Số còn lại lúc nghiệm thu, bàn giao nhà sẽ thanh toán hết để các hộ dân trả cho bên thi công. Trong quá trình triển khai, có 28 hộ không có đất làm nhà, xã đã vận động các hộ dân giúp nhau được bảy phần đất, còn 21 hộ, xã tổ chức sang nhượng ngay trong vùng cho thuận tiện. Ngoài ra, xã đã chi hơn 10 triệu đồng cho công tác đo đạc, phân định ranh giới đất cho từng hộ trước khi tiến hành xây dựng và quà tặng cho các hộ khi bàn giao nhà. Chị Thị My La, dân tộc Chăm, vừa mới nhận nhà theo Chương trình 134, phấn khởi cho biết: Giờ thì cả nhà đã yên cái bụng rồi, không còn lo về chỗ ở nữa, chỉ lo tập trung làm ăn sao cho ra khỏi cái nghèo thôi...

Theo Ban Tôn giáo-Dân tộc tỉnh, trong những năm qua, Tây Ninh đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo cho đồng bào dân tộc thiếu số như: Cho vay vốn phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; các cụm dân cư đều có điện thắp sáng, nước sạch, trạm y tế, trường học... Thực hiện Chương trình 134, đến nay, về cơ bản, Tây Ninh đã xây dựng xong 446/463 căn nhà hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, đạt 96% chỉ tiêu đề ra. Số nhà còn lại đang được tiếp tục triển khai theo quy định của Chính phủ. Trong quá trình xây dựng, có nhà đang xây nửa chừng bị mưa to, lốc lớn làm đổ tường, Ban đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí để xây dựng lại. Hiện đã khoan xong và đưa vào sử dụng được 336/355 giếng, nguồn nước đạt chất lượng tốt. Tổng kinh phí dành cho phần nhà ở, đất ở và nước sinh hoạt hơn 5,2 tỷ đồng. Tùy vào điều kiện đất đai từng nơi, Ban tiến hành cho khảo sát xây dựng trạm cấp nước tập trung nhằm bảo đảm nước sạch cho bà con. Theo dự tính, sẽ có bảy trạm cấp nước với tổng trị giá khoảng 8,4 tỷ đồng, sẽ xây dựng trong thời gian tới. Riêng phần đất sản xuất cho bà con, trong quá trình triển khai đề án, ngoài thị xã và huyện Hòa Thành không còn quỹ đất vì đô thị hóa, hầu hết các huyện còn lại gặp khó khăn do mức hỗ trợ thấp so giá thực tế. Hơn nữa, giải pháp thu hồi diện tích đất của các nông-lâm trường cũng khó thực hiện, vì toàn bộ đất đã được giao khoán từ lâu. Tuy vậy, các cấp, ngành trong tỉnh đang cố gắng tìm mọi biện pháp để giải quyết đất sản xuất cho bà con trong năm 2007.

Việc chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ dừng lại ở phần lo đất ở, xây nhà, nước sinh hoạt. Nỗi băn khoăn chung của bà con dân tộc thiểu số nghèo, và cũng là nỗi lo của Ðảng bộ, chính quyền địa phương chính là lo "cái ăn" sao cho ổn định lâu dài. Mặc dù chủ trương cấp đất sản xuất đã có, nhưng một số xã vùng biên giới, quỹ đất công không còn, cho nên muốn có đất cấp cho bà con phải tổ chức sang nhượng lại. Thế nhưng, mức hỗ trợ sang nhượng đất của Trung ương và tỉnh quy định chỉ 50 triệu đồng/ha, trong khi giá thực tế tại các vùng sâu, vùng biên giới trong tỉnh mức bình quân 100-120 triệu đồng/ha. Ðây là vấn đề gây lúng túng, bị động cho những người thực hiện Chương trình 134. Cho nên, cần có sự khảo sát, hiệu chỉnh lại về giá trong việc cấp đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giúp bà con dân tộc thiểu số nghèo sớm có đất sản xuất. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về việc cấp đất, bởi vì đất nông nghiệp cấp cho bà con để sản xuất, chứ không được sang nhượng, nhằm tránh trường hợp hộ dân lại bán đi để lo cho chuyện khác, và như vậy thì nghèo vẫn hoàn nghèo.

Mặt khác, trên thực tế, một hộ dân khó có thể làm ăn khá giả khi chỉ dựa vào sản xuất trên diện tích nhỏ đất nông nghiệp. Do đó, cần thiết phải tạo cho họ một nghề nghiệp nào đó để vươn lên, như đào tạo nghề tiểu - thủ công nghiệp, chăn nuôi... theo đặc thù của từng dân tộc. Tuy việc dạy nghề cho nông dân đã được tỉnh đặt ra nhiều năm nay, nhưng đối với bà con dân tộc thiểu số là không dễ dàng, vì theo tập quán từ xa xưa, đồng bào dân tộc ở đây chỉ biết làm ruộng hoặc làm rẫy, thời gian còn lại đi làm thuê quanh khu vực, xem đây là thu nhập phụ mà thôi. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Dây, đồng bào Chăm trong xã rất khó đi làm theo kiểu công nhân xí nghiệp ở nơi khác, do tập quán sống luôn gắn bó mật thiết với cộng đồng của mình. Xã cũng đã có ý định tổ chức cho các hộ dân làm ngành nghề tiểu-thủ công nghiệp, như dệt thổ cẩm tại nhà... nhưng xem ra khó thực hiện vì không có thị trường và trình độ học vấn ở mức thấp. Ở xã Ninh Ðiền, theo đồng chí Nguyễn Văn Thơ, Phó Chủ tịch UBND xã, con em người dân tộc  thiểu số thường không đi học lên bậc cao. Toàn xã có 40 em đi học từ tiểu học đến THPT (trừ một trường hợp duy nhất được cử tuyển đi học cao đẳng) dù Nhà nước đã đầu tư xây dựng trường lớp đầy đủ. Vấn đề này cần được quan tâm để người dân đồng bào dân tộc, nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao dân trí. Từ đó, mới có thể dịch chuyển số lao động là người dân tộc thiểu số ra khỏi thế thuần nông. Ðây cũng là cách căn cơ nhất giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, vươn lên cùng cộng đồng.