Trúng giá dưa hấu...
Còn nhớ năm ngoái, nông dân trồng dưa hấu ở Phù Mỹ “khóc đứng khóc ngồi” khi giá dưa xuống chỉ còn 800 đồng/kg, người nào may mắn thì lấy được vốn, còn hầu hết đều thua lỗ. Tuy nhiên, vụ đông xuân năm nay, dưa hấu là khởi nguồn niềm vui của bà con nhờ giá cả và đầu ra ổn định.
Tại thôn Vĩnh An, xe tải ăn hàng nối đuôi nhau chạy ngược lên Quốc lộ 1A, chở dưa hấu xuôi ra Bắc. Anh Thái Văn Trưởng ở Vĩnh An cứ ngỡ mình nằm mơ khi cầm trong tay gần 100 triệu đồng tiền bán dưa, anh tâm sự: “Lần đầu tiên tôi làm liều, chuyển 1,2ha trồng đậu đỗ và mỳ (sắn) kém hiệu quả sang trồng dưa hấu đông xuân. Nhờ chăm sóc tốt và tuân thủ nghiêm quy trình bón phân nên năng suất rất cao, vừa thu hoạch đã có xe tải tới mua, với giá 7.000 đồng/kg, cao gấp 10 lần năm ngoái, trừ chi phí, lãi 75 triệu đồng”. Ông Hà Tuấn Kỳ, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Phong phấn khởi thông báo, toàn xã có 40ha dưa hấu, tập trung tại các thôn Gia Hội, Phú Quang, Vĩnh An, Văn Trường. Nhiều hộ trồng dưa ở Phú Quang như anh Rạng, anh Bảy Tánh, anh Bùi Là; và các hộ anh Dũng, anh Thiện, anh Nam, anh ánh, anh Trưởng... ở Vĩnh An nhờ trúng giá đều thu lãi hàng chục triệu đồng...
Mỹ Tài được xem là "vựa dưa" của huyện, trong đó nổi tiếng nhất là anh Nguyễn Duyệt ở thôn Vĩnh Nhơn, người vừa thu hoạch 4 sào dưa (1 sào Trung Bộ = 500m2) với tổng thu gần 50 triệu đồng. Anh Duyệt chủ yếu trồng dưa Hắc Mỹ Nhân, dù năng suất không cao bằng các loại dưa cao sản khác, tuy nhiên, nhiều năm qua, nhờ đúc kết kinh nghiệm trong đầu tư thâm canh nên anh luôn thành công. Năm ngoái, anh Duyệt trồng 5 sào dưa hấu Hắc Mỹ Nhân, sản lượng 10 tấn nhưng giá chỉ 1.000 đồng/kg, tổng thu 10 triệu đồng, còn năm nay, chỉ riêng tiền lãi đã vượt quá con số 10 triệu đồng.
... Được mùa dưa leo Lựa chọn dưa leo.
Chị Lê Thị Yến, đại lý thu mua dưa leo ở thôn Trực Đạo (xã Mỹ Trinh) vừa đếm tiền, vừa vui vẻ nói: “Năm nào đại lý của tôi cũng là đầu nậu thu mua dưa, bán cho thương lái ở Quảng Ngãi, nhưng năm nay vui hơn nhiều vì bà con được mùa, giá lại cao nên công việc làm ăn rất thuận lợi”. Chị tiết lộ, gần 1 tháng qua, ngày nào chị cũng mua ít nhất 1,5 tấn, ngày nhiều lên đến 2,5 tấn. Chị Nguyễn Thị Th ơ, nông dân nhiều năm trồng dưa leo ở Mỹ Trinh phấn khởi nói: “Vụ dưa này ngon ơ, đầu vụ thời tiết mưa, lạnh nhiều khiến chúng tôi tưởng cầm chắc thua lỗ, nhưng nhờ trời ấm lại, nắng lên nên dưa sai lắm, ít nhất 6.000 trái/sào”. Với diện tích 1,5 sào, giá bình quân 2.800 đồng/kg, chị thu lãi hơn 5 triệu đồng, trong khi vụ trước tổng thu chỉ hơn 2 triệu đồng.
Năm nay, diện tích dưa ở thôn Lạc Sơn không nhiều như năm ngoái, tuy nhiên, sản lượng dưa đều đạt 6.500 trái/sào, giá bán ổn định nên hầu hết người trồng đều thu lãi vài triệu đồng. Từ UBND xã, xuôi xuống phía Nam, chúng tôi ghé nhà anh Đỗ Hữu Lai, anh vừa thu lãi hơn 7 triệu đồng từ 1,12 sào dưa. Hay các hộ anh Trần Quang Vinh, ông Trần Văn Tài, Trần Văn Loan... ai cũng mừng vui vì trúng đậm dưa leo. Anh Đinh Văn Ninh, chủ nhân của 2 sào dưa cho biết: “Trên chân đất vừa nhổ sớm kiệu Tết, tôi làm đất thật kỹ, xuống giống dưa leo Trang Nông F1, mật độ 1.500 - 1.600 dây/sào. Tôi thực hiện phủ bạt nylon, giữ độ ẩm phù hợp nên ruộng dưa ít cỏ, ít sâu bệnh, mọc nhanh, khỏe, nhánh to, trái nhiều... tổng thu lên tới 15 triệu đồng, chi phí hết khoảng 4 triệu đồng, còn lại là tiền lãi”. Dưa leo đang là cây trồng chủ lực ở Mỹ Trinh, mang lại nguồn lợi cao cho nông dân, chính vì vậy, diện tích dưa leo không ngừng tăng. Trước đây Mỹ Trinh nổi tiếng là “đất kiệu” nhưng vì giá kiệu quá bấp bênh nên đa phần bà con chuyển sang trồng dưa leo vì thời vụ ngắn, chỉ 40-45 ngày đã cho thu hoạch.
Dù vui với niềm vui của bà con nhưng chúng tôi không khỏi băn khoăn bởi sự bất ổn định của mỗi vụ dưa. Vẫn biết rằng nông dân phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan như thị trường, thời tiết, giá cả vật tư nông nghiệp... nhưng giá như bà con năng động, nhạy bén và biết liên kết trong sản xuất thì chắc chắn, mùa dưa nào cũng sẽ vui như Tết.