Đề án của tỉnh được các huyện cụ thể hoá và xây dựng cho địa phương mình trên cơ sở bàn bạc thảo luận dân chủ với các xã. Đề án sản xuất vụ xuân được gắn với vụ hè, móc xích với vụ mùa và vụ đông để thiết lập một chuỗi thời vụ nhằm mục tiêu ổn định năng suất sản lượng thóc và có cơ hội dể mở rộng diện tích vụ đông đặc biệt là đậu tương sau lúa mùa. Các giải pháp về giống, đặc biệt thuỷ lợi để đảm bảo mạ xuân được gieo cấy tốt ở mọi chân đất kể cả chân đất vàn thấp, trũng mà trước giờ người dân lo ngại nước ngập không thể cấy được; các xã đã làm tốt công tác thuỷ lợi nội đồng, sẵn sàng khoanh vùng thấp trũng để tiêu nước và tưới tốt cho vùng cao. Từ tháng 11, trước thời vụ gieo mạ, ngành NN&PTNT đã mời các đơn vị cung ứng giống trên địa bàn thoả thuận ủng hộ tỉnh thực hiện đề án bằng cách không bán giống dài ngày trên địa bàn Thái Bình. Dựa trên những phân tích, đánh giá khoa học, các doanh nghiệp đã nhất trí không kinh doanh và bán giống dài ngày để ủng hộ chủ trương sản xuất của Tỉnh.
Đề án và giải pháp đã được đồng thuận, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp Thái Bình vào cuộc một cách quyết liệt. Điều tiết nước được xem là biện pháp quan trọng và song song là các biện pháp kỹ thuật và tổ chức chỉ đạo của các địa phương. Những bài giảng về kỹ thuật gieo mạ nền, kỹ thuật xạ hàng cải tiến, những mặt lợi, hại, của trà lúa dài ngày và ngắn ngày, những bài học thực tiễn được thống nhất trong đề cương chung của các lớp tập huấn... và dù còn không ít người dân băn khoăn, bảo thủ vẫn muốn gieo cấy sớm bằng các giống dài ngày nhưng đến nay có thể nói người dân ở 3 huyện phía bắc của tỉnh đã thông suốt thực hiện Đề án.
Tuy vậy cả Tỉnh vẫn còn gần 300 ha mạ xuân sớm được gieo, chiếm 7% diện tích gieo lúa vụ xuân. Có thể nói đây là một thành công trong việc tổ chức thực hiện đề án của tỉnh.
Lường trước những khó khăn về nguồn nước cho đổ ải vụ xuân, Kế hoạch lấy nước theo lịch xả hồ Hoà Bình được các Công ty khai thác thuỷ lợi chỉ đạo chặt chẽ và quyết liệt. Các địa phương về cơ bản đã hoàn thành việc lấy nước cho gần 83 ngàn ha cấy lúa xuân. Đến ngày 17/2, Thái Bình đã cấy được trên 50 ngàn ha, đến ngày 20/2 về cơ bản có thể hoàn thành trên 90% diện tích và kết thúc cấy vào 25/2. Như vậy chưa năm nào, việc cấy lúa xuân lại diễn ra nhanh chóng và gọn như vụ này.
Điều đặc biệt, vụ lúa xuân 2009, tỷ lệ giống lúa chất lượng làm hàng hoá và lúa lai cao hơn hẳn những vụ trước. Các giống lúa gạo ngon như BT-7, HT-1, N97, T-10, hương cốm, TL-6 ước tính diện tích trên 20 ngàn ha chiếm khoảng 25% cơ cấu. Giống lúa ưu thế lai như CNR-36, Syn-6, D.ưu 527, ..diện tích khoảng 18 ngàn ha (gần 600 tấn giống lúa lai đã được cung ứng trên địa bàn Thái Bình). Các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Thái Thụy có tỷ lệ lúa lai khá cao, nhiều xã cơ cấu lúa lai chiếm trên 50%. Xã Thụy An, diện tích lúa lai gần 90%.
Nếu vụ xuân 2008, giải pháp gieo xạ và thử nghiệm xạ hàng cải tiến nhằm khắc phục thời vụ lúa xuân muộn do rét đậm rét hại, diện tích lúa gieo cấy bằng phương pháp này là gần 1000 ha thì vụ này diện tích xạ hàng ở Thái Bình đã lên tới 5-6 ngàn ha, hơn 500 dụng cụ xạ hàng kéo tay đã được cung ứng qua Trung tâm KN&KN và một số cơ sở khác trong tỉnh. Hình thức dịch vụ liên kết theo nhóm đã hình thành, nhiều vùng gieo xạ hàng tập trung với quy mô 50-100ha. Một nhóm đứng ra mua dụng cụ, giống lúa kỹ thuật hoặc giống chất lượng có liên kết bao tiêu sản phẩm. tổ hợp tác này chịu trách nhiệm ngâm ủ, để có mộng mạ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức gieo xạ, phun hoặc rắc thuốc trừ cỏ và nông dân chỉ phải trả 60-65 ngàn đồng cho 1 sào lúa khi nhìn ruộng lúa nhà mình đã lên xanh. Hộ nông dân làm đất và bón phân lót, thúc theo quy trình hướng dẫn.
Với hình thức này, mỗi sào lúa họ đã giảm chi phí được 60-70 ngàn đồng, vì nếu chỉ thuê công cấy thôi đã hết gần 100 ngàn đồng cho 1 sào cộng với tiền giống, công làm mạ lên tới 130-140 ngàn đồng. Hiện Sở NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường hướng dẫn và quản lý nước, dịch hại, bón phân cân đối đúng lúc, đúng lượng, đúng cách cho diện tích này để đảm bảo sự thành công chắc chắn và là tiền đề tạo ra sự hợp tác mới, một phương thức mới cho vụ lúa xuân 2010. Một đề tài nghiên cứu nhằm giải quyết tất cả các vấn đề đặt ra cho việc xạ hàng cải tiến như: Giống, Phương thức ngâm ủ, Phân bón, thuốc trừ cỏ, thời vụ, và cải tiến cách gieo đã được ngành NN đề xuất để có thể hoàn thiện hơn nhằm mở rộng một cách khoa học và bài bản hình thức này.
Thời tiết vụ xuân 2009 cũng có những bất thường, đến nay vụ xuân chưa có mưa xuân, nền nhiệt trung bình rất ấm trong tháng 2, tổng ôn so với cùng kỳ từ 15/1 đến 15/2 của 2009 cao hơn so với 2007. Nếu gieo cấy sớm chắc giờ này cũng đã đang bấn lên để xử lý ấm, song với trà xuân muộn gieo như lịch thì mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát. Thái Bình hy vọng một vụ xuân nữa được mùa và rồi nông dân sẽ nhàn hơn, đỡ chi phí hơn với những phương thức canh tác mới.