00:00 Số lượt truy cập: 2692157

Thái Bình: đối phó với vụ xuân ấm 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ xuân 2007, Thái bình gieo cấy trên 82 ngàn ha lúa. Phần lớn diện tích các Huyện phía bắc Tỉnh gieo cấy với trên 35% giống dài ngày gồm giống Xi-23, 88-65 và VN-10, mạ dược đều được gieo đầu tháng 12 dương lịch và cấy xong trước 20/1.

Ở vùng này với tập quán gieo sớm giống ngắn ngày để làm thêm vụ màu hè ở một số địa phương, và một số khác cấy nhân giống nhóm Q5, Khâm dục để kịp thu chuyển giống cho vụ mùa cũng được gieo cấy khá sớm trước lịch.

Do đặc thù của năm 2007, thời điểm cấy đúng lịch lại trùng với tết âm lịch nên hầu như các địa phương nông dân đều dâng sớm lịch gieo cấy lên 7-10 ngày. Thời tiết tháng 12-2006 và tháng 1,2 năm 2007 đều có nền nhiệt cao hơn TB nhiều năm, dấu hiệu một vụ xuân ấm đã được xác định rõ ngay từ sau tết âm lịch, nguy cơ của một vụ lúa trỗ sớm trung tuần tháng 4 với vài chục % diện tích là hoàn toàn hiện hữu.

Lúa trỗ sớm, thời gian sinh trưởng bị rút ngắn, việc kiến tạo các yếu tố năng suất bị ảnh hưởng, đặc biệt số hạt trên bông do lúc phân hoá (30-35 ngày trước trổ) điều kiện nhiệt độ còn thấp ánh sáng thiếu..lúa sẽ bị bớt đầu bông, đầu gié, giai đoạn thụ phấn thụ tinh nếu rét nàng bân hơi đậm thì tỷ lệ lép có thể sẽ rất cao.. Lúa trổ sớm, kéo theo sự cộng hưởng theo hướng cực xấu của sâu bệnh hại, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông trong điều kiện ấm, ẩm và thiếu sáng. Đó là những nguyên nhân và lo ngại trà lúa xuân sớm cùng một phần xuân muộn bị thụt giảm 20-40% năng suất.

Hướng dẫn nông dân một số biện pháp chăm sóc cụ thể, ngành nông nghiệp Thái bình đã tổ chức đánh giá thực trạng tình hình sinh trưởng phát triển của lúa xuân với lãnh đạo và phòng nông nghiệp PTNT các Huyện cùng các đơn vị chuyên môn như Trung tâm khuyến nông, Chi cục BVTV, Công ty giống và Chi cục thuỷ nông..Việc điều tra xem xét được mạng lưới cán bộ BVTV, Khuyến nông viên cơ sở và các trạm Khuyến nông đánh giá từ sớm. Một số chủ trương biện pháp của ngành NN Thái bình đã được khuyến cáo với bà con nông dân như sau:

1. Các hộ, các địa phương tiến hành phân loại tình hình sinh trưởng thực tế của các trà lúa của mình bằng cách: Kiểm tra đồng ruộng, sờ nắn gốc lúa, nếu lúa đã tròn mình, đẻ kín đất và bóp dảnh lúa thấy cứng không còn mềm mại, quan sát lá lúa thấy lá vót dài đầu lá thắt eo thì lúa đã kết thúc đẻ nhánh, đã bắt đầu vào phân hoá - Các ruộng lúa này sẽ trỗ bông khoảng xung quanh 35 ngày sau đó.

Các ruộng lúa thấy các dảnh lúa trong khóm vẫn còn xoè nan quạt, gốc lúa mềm mại, lá xanh mơn mởn thì lúa còn đang thì con gái, hoặc bắt đầu hoặc đang đẻ nhánh rộ. Với các ruộng này nếu chăm sóc tốt có thể kéo dài TGST và khả năng điều tiết để lúa trổ vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 (sau 45-50 ngày nữa) để ngưỡng trổ bông an toàn hơn là được

2. Với các ruộng lúa có khả năng trổ sớm: Khuyến cáo nông dân tạo ra ruộng lúa khoẻ mạnh bằng cách bón thật cân đối, tăng kaly và đặt công tác phòng chống sâu bệnh lên hàng đầu để hạn chế tối đa thiệt hại
Biện pháp bón thúc bổ sung ngay mỗi sào 4-5 kg NPK chuyên thúc, loại tỷ lệ 10:5:12 của Lâm thao, Văn điển, và các loại phân cao cấp khác cùng 4-5 kg Kaly. Lượng phân này phải được bón thúc càng sớm càng tốt .

3. Các ruộng lúa còn đang kỳ con gái cần tăng cường hơn sức đẻ nhánh, đặc biệt với nhóm lúa lai, lúa thuần cao sản việc tăng thêm 10-15% lượng phân đầu tư được khuyến cáo với lý do một vụ xuân ấm, tốc độ khoáng hoá mạnh, phân bón bị tiêu hao lớn hơn, vả lại trà lúa này lại chủ yếu là các giống đòi hỏi thâm canh cao. Tuy nhiên việc bón phân phải biết "nhìn cây, nhìn đất, nhìn trời" và kết thúc bón quanh trục 10/3. Tăng cường một cách cân đối sẽ có ruộng lúa khoẻ và đẻ nhánh dài ra, trà này có thể trổ bông vào thời điểm an toàn hơn và mức giảm năng suất là không đáng kể

4. Nước được khuyến cáo giữ đều và mực nông 3-5 cm cho trà lúa đã kết thúc đẻ đến khi lúa chín sáp, riêng trà muộn cấn rút nước phơi ruộng 5-7 ngày giai đoạn khi lúa tròn gốc để rễ ăn xuống tạo cho cây cứng cáp hơn

5. Sâu bệnh hại cuối vụ và những tác động cộng hưởng của nó được nhấn mạnh trong một loạt các biện pháp được khuyến cáo. Ngành đã nhấn mạnh và giao nhiệm vụ tăng cường công tác điều tra dự báo cho Chi cục BVTV, các cán bộ khuyến nông và trạm KN, thông báo và hướng nông dân dập tắt sớm các ổ bệnh khi mới phát sinh và phòng đạo ôn cổ bông khi lúa mới trỗ.

Hiện tại lực lượng cán bộ kỹ thuật cũng như quản lý của ngành nông nghiệp đã được phân công theo dõi và hướng dẫn các địa phương cùng với cán bộ kỹ thuật các huyện, nhằm hạn chế tối đa những thiệt hại mà con người có thể khống chế được.

Một số phương án tăng vụ như tranh thủ làm một vụ màu hè giữa 2 vụ lúa, sẽ được khuyến cáo mở rộng như trồng dưa lê, dưa gang xuất khẩu, dưa hấu hè có che phủ màng NN, một số chân đất nếu có điều kiện sẽ tranh thủ một vụ lúa chét với thời gian khoảng 60-65 ngày có thể cho tăng thu khoảng 60-70kg mà chỉ tốn 3-3,5kg đạm ure cũng là một giải pháp được đề cập./.