00:00 Số lượt truy cập: 3229806

Thái Nguyên khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh về thuỷ sản 

Được đăng : 03/11/2016

Tiềm năng về nuôi trồng thuỷ sản của Thái Nguyên hiện nay khá lớn, toàn tỉnh có 6.925 ha mặt nước, trong đó 2.285 ha ao, 1.140 ha hồ chứa vừa và nhỏ, 2.500 ha hố chứa lớn (hồ Núi Cốc), 1.000 ha ruộng cấy lúa có khẳ năng nuôi cá lúa kết hợp, khoảng 12.000 ha diện tích sông suối có khả năng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản tự nhiên.


Năm 1960 thành lập Phòng thuỷ sản trực thuộc Uỷ ban hành chính tỉnh Thái Nguyên, tháng 1/1977 thành lập Công ty thuỷ sản Bắc Thái, ngày 24/6/2004 thành lập Trung tâm Thuỷ sản Thái Nguyên trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Trung tâm Thuỷ sản là đơn vị sự nghiệp thực hiện các nhiệm vụ của ngành thuỷ, Trung tâm Thuỷ sản trực tiếp quản lý 3 trạm trại sản xuất giống thuỷ sản với tổng số 70 cán bộ công nhân. Về cán bộ kỹ thuật thuỷ sản hiện nay toàn tỉnh đã có 3 thạc sỹ về nuôi trồng thuỷ sản, 15 kỹ sư thuỷ sản 1 cao đẳng thuỷ sản 50 trung cấp thuỷ sản đang làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Để sử dụng diện tích mặt nước nuôi thuỷ sản có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo phải đưa hết diện tích mặt nước hiện có vào nuôi các giống cá truyền thống và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng các giống mới có năng suất cao, các loài thuỷ đặc sản như: Chép lai V1, cá chim trắng, Tôm càng xanh, cá lóc Bông, cá Rô phi dòng Novít 4, cá Trôi trường giang, Ba ba, ếch Thái Lan…

Trong thời gian tới một số loài nước lạnh có giá trị kinh tế cao sẽ được đưa vào nuôi như cá Tầm Nga, cá Hồi Vân. Một số diện tích trồng các cây không hiệu quả đã chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản rất tốt. Công tác khuyến ngư được quan tâm, đã giúp nông dân tiếp thu kỹ thuật, áp dụng vào nuôi cá có hiệu quả.

Năm 2003-2007 đã đầu tư nâng cấp trại cá Cù Vân với tổng kinh phí 11,5 tỷ đồng, hiện nay đã xây dựng xong và đi vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế. Trong năm 2009 được sự quan tâm của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh tiếp tục đầu tư cải tạo nâng cấp trại cá giống Hòa Sơn và trạm thuỷ sản núi Cốc với tổng kinh phí 9,02 tỷ đồng.

Trong mấy năm qua, các trại cá giống trong tỉnh sản xuất đáp ứng trên 90% cá giống cho nhu cầu và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận như Cao Bằng, Bắc Kạn. Nhiều dự án lớn về thuỷ sản được phê duyệt và thực hiện: Như dự án quy hoạch thuỷ sản toàn tỉnh giai đoạn 1992-2010 UBND tỉnh đã phê duyệt với tổng kinh phí 4,8 tỷ đồng và nhiều dự án áp dụng tiến bộ KHKT thuỷ sản khác.

Sản lượng thuỷ sản trong tình hàng năm tăng trưởng với tốc độ từ 8-10%. Kết quả sản xuất thuỷ sản năm 2008 đã sử dụng được 93% diện tích mặt nước hiện có đưa vào nuôi trồng và khai thác thuỷ sản (6.440/6.925 ha). Trong đó toàn bộ diện tích ao: 2.285 ha được đưa vào nuôi quảng canh và bán thâm canh 1.140 ha hồ chứa vừa và nhỏ đã được đưa vào quản lý, nuôi thả và khai thác trong đó có 2.500 ha mặt nước hồ Núi Cốc. Sử dụng 25 ha ruộng nuôi cá lúa kết hợp, nuôi 70 lồng cá trên hồ chứa. Tổng sản lượng thuỷ sản năm 2008 đạt 4.500 tấn trong đó 150 tấn cá khai thác tự nhiên, đạt mức tăng trưởng 6-8%/năm. Hoàn thành 100% kế hoạch đã đề ra. Cơ sở hạ tầng các trạm trại cá giống phục vụ cho ngành thuỷ sản cũng như lực lượng cán bộ công tác trong ngành ngày càng củng cố và phát triển.

Trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, ngành thuỷ sản nước ta nói chung, ngành thuỷ sản Thái Nguyên nói riêng có nhiều thách thức để phát triển đó là ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, sự hạn chế về tài nguyên, sự ô nhiễm môi trường, sự cạnh tranh thị trường đòi hỏi ngành cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa thế mạnh tiềm lực sẵn có đặc biệt vai trò của các thành phần kinh tế, tổ chức lại sản xuất, thay đổi chuyển dịch cơ cấu kinh tế để góp phần nâng cao thu nhập cho đời sống nông dân và sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh.