00:00 Số lượt truy cập: 2691716

Thanh Hoá: 6 biện pháp tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm 

Được đăng : 03/11/2016

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Thanh Hoá được tổ chức ngày 27/7, ông Mai Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh 6 biện pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở Thanh Hoá trong thời gian tới.


Đó là tăng cường hoạt động của các ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ tỉnh đến cơ sở; nắm chắc tình hình diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch không để phát sinh, lây lan. Chỉ đạo công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm triệt để, đạt tỷ lệ cao nhất, đặc biệt nơi có dịch bệnh cũ dễ phát sinh. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại khu vực chăn nuôi, nơi giết mổ. Quản lý, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, phát hiện và báo cáo kịp thời để có biện pháp bao vây, khống chế, tổ chức tiêu hủy. Củng cố và tổ chức các chốt kiểm dịch của tỉnh, của khu vực, của huyện không để gia súc, gia cầm ra, vào địa bàn khi chưa hợp lệ. Đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân làm sai các quy định của công tác phòng, chống dịch bệnh gây hại cho xã hội, cho nhân dân.

Đến nay trong toàn quốc đã có 18 tỉnh, thành phố xảy ra dịch cúm gia cầm. Tỉnh Thanh Hoá tuy chưa xuất hiện cúm gia cầm, nhưng trên đàn gà, vịt, ngan đã xảy ra dịch tả vịt, tụ huyết trùng làm gia cầm ốm, chết và buộc phải tiêu hủy 18.358 con gà, vịt, ngan. Các địa phương đã tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng, tăng cường quản lý giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; các chốt kiểm dịch động vật hoạt động thường xuyên, quản lý chặt chẽ gia cầm, gia súc ra vào tỉnh. Công tác tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ cao, trong đợt 1 toàn tỉnh đã tổ chức tiêm được 8.848.880 con gia cầm, trong đó gà, vịt đạt 85% tổng đàn nuôi và đàn ngan đạt 61% tổng đàn. Đến thời điểm hiện tại, trong tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn nhưng nguy cơ xâm nhập và lây lan thành dịch của hội chứng tai xanh là rất lớn.

Do vậy, công tác tiêm phòng cho đàn lợn là vấn đề cấp thiết. Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã tiêm vắc-xin dịch tả lợn được 114.825 con (mới đạt 8,7% tổng đàn); tụ dấu lợn tiêm được 85.480 con (đạt 6,4% tổng đàn). Riêng tiêm vắc-xin phòng bệnh tai xanh chưa được thực hiện do mới triển khai và giá vắc-xin cao.