00:00 Số lượt truy cập: 3226670

Thanh Hóa: Bài học kinh nghiệm từ một lần cá chết 

Được đăng : 03/11/2016
Nhận được tin báo từ cơ sở, tại trang trại nuôi cá của anh Trần Lê Hùng xóm 7, xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn có hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt.Trung tâm khuyến ngư Thanh Hóa phối hợp với Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh xuống cơ sở xem xét và đề xuất phương án xử lý.

Tại trang trại rộng hơn 3 ha thả nuôi hơn 30.000 cá giống kết hợp với nuôi 1500 vịt đẻ và hơn 30 lợn thịt. Cơ cấu cá thả bao gồm cá mè khoảng 40%, cá trôi 30%, còn lại là cá chép, rô phi, cá trắm cỏ, mè hoa. Qua tìm hiểu thực tế, thông tin báo cáo của chủ trang trại và phân tích mẫu cá chết và mẫu nước tại hiện trường chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau:

- Mẫu cá chết không tìm thấy dấu hiệu có tác nhân gây bệnh như nấm, ký sinh trùng..., cơ quan nội tạng không có biểu hiện của tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, vi rút....

- Qua phân tích môi trường, một số các chỉ tiêu như H2S, NH3 .. cao gấp 10 lần tiêu chuẩn cho phép, nguyên nhân là do chủ hộ đưa chất thải trự c tiếp xuống hồ nuôi. Khi thu hoạch cá đã tháo cạn hơn 50% lượng nước và dùng lưới mắt dầy để thu hoạch cá. Chính vì điều này đã làm xây sát và tăng đột biến hàm lượng khí độc gây chết cá, cụ thể như: Sau khi kéo lưới thu hoạch thì xuất hiện cá chết ước lượng khoảng hơn 3 tấn cá, chiếm 1/3 sản lượng, trong đó cá mè trắng chiếm tỷ lệ lớn nhất, sau đến cá trôi là những loài chịu đựng môi trường kém nhất, các loài cá khác như Cá chép, rô phi...không bị ảnh hưởng.

Từ những nguyên nhân trên, đoàn công tác đã đề xuất phương án xử lý đó là: Tiêu độc khử trùng ao nuôi bằng vôi bột liều lượng 8-10 kg/1000m3, sau đó cấp bổ xung nước mới vào ao nuôi, cho đến nay 21/7, đàn cá trong ao nuôi đã trở lại bình thường.

Qua sự vụ trên và thực tiễn trong quá trình chỉ đạo sản xuất, chúng tôi khuyến cáo người nuôi một số vấn đề sau:

- Cần quy hoạch hệ thống ao nuôi khép kín, từ ao ương cá giống đến nuôi thương phẩm nhằm chủ động, kiểm soát chất lượng cá giống, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm để hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên cần thay đổi thói quen sử dụng phân bón trong nuôi cá, nên ủ hoai phân bón trước khi bón cho ao nuôi, không nên xả trực tiếp chất thải xuống ao.

- Từng bước chuyển dần từ hình thức thả cá, nuôi tận dụng năng suất thấp sang hình thức nuôi cá có sự đầu tư năng xuất cao, đầu tư cho ăn, chăm sóc theo từng bước: Giai đoạn đầu nên tận dụng nguồn phân bón và thức ăn sẵn có, đến 2 tháng nuôi cuối cùng nên cắt giảm nguồn phân bón, tăng cường cho ăn thức ăn phối chế bằng nguyên liệu sẵn có ở địa phương nhằm giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo môi trường ao nuôi, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Nên chọn cơ cấu đàn cá thả nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên, năng lực tài chính cũng như nhu cầu thị trường tiêu thụ. Chuyển dần sang các đối tượng nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, năng suất cao, có giá trị kinh tế như: cá rô phi đơn tính, cá lóc, chép lai 3 máu, cá chim trắng...cho phù hợp. Người nuôi cá nên giành thời gian đi tham quan, học tập kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật trước khi chuyển đổi hình thức nuôi, đối tượng nuôi.