00:00 Số lượt truy cập: 2671024

Thanh Hoá: Mất trắng 2.000ha lúa 

Được đăng : 03/11/2016

Nắng hạn kéo dài từ mùa đông năm trước đến tận ngày hôm nay (18.4), đang làm khoảng 40 nghìn hécta lúa xuân hè của tỉnh Thanh Hoá đứng trước nguy cơ bị rầy lưng trắng tấn công.


 

Huyện Nga Sơn đã phải huy động đến 2 vạn người đào đắp 60.000m3 đất để khơi thông kênh mương, đưa nước ngọt về tưới lúa.

Sáng ngày 16.4, ông Lê Ngọ - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Do thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm phát sinh các loại sâu bệnh. Đặc biệt hiện nay trên các cánh đồng lúa ở Thanh Hoá đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh rầy lưng trắng.

Con số thống kê của Chi cục BVTV cho thấy, trứng rầy lưng trắng đang tồn tại ở khoảng 1.000ha lúa của các huyện Nga Sơn, Bá Thước, Hậu Lộc... Mật độ trứng là 100 ổ/m2 diện tích lúa. Nếu không được phun thuốc kịp thời thì vào cuối tuần này, trứng rầy lưng trắng sẽ nở với mức 600-1.000 con/m2. Cũng trong ngày 16.4, thông tin từ huyện Hậu Lộc cung cấp, diện tích lúa bị nhiễm bệnh rầy nâu của huyện này đã tăng lên con số 3.000ha.

Nhưng nguy hại hơn là tình hình nắng hạn đang làm nguồn nước ngọt tưới cho 118 nghìn hécta lúa xuân hè của cả tỉnh Thanh Hoá bị cạn kiệt đến mức báo động. Cty thuỷ nông Sông Chu được giao phục vụ nước tưới cho 48.000ha lúa của các huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn, Quảng Xương... Song hiện nguồn nước sông này đã xuống mức kiệt nhất trong vòng 47 năm qua và đang ở cao trình 15,6m. Ông Lê Văn Thuỷ - PGĐ Cty thuỷ nông Sông Chu - cho biết: Tính đến cuối ngày 16.4, nguồn nước lấy vào chỉ đạt 18-20m3/s.

Trong đó yêu cầu lấy nước vào kênh phải đạt 45m3/s mới đủ tưới cho gần 40 nghìn hécta lúa.

Tình hình nước tưới căng thẳng hơn rất nhiều đối với đồng đất các huyện ven biển. Do lượng mưa thiếu hụt, mực nước các sông xuống thấp nhất trong vòng 20 năm qua nên dẫn tới tình trạng nhiều trạm bơm có điện nhưng không có nước để hoạt động, trong khi đó các cánh đồng lúa đang chuẩn bị trổ bông bị khô héo nghiêm trọng.

Nước sông cạn kiệt, nước biển ngày càng xâm thực sâu vào đất liền với chiều dài khoảng 30km. Các huyện bị nước mặn "tấn công" mạnh nhất là Nga Sơn, Hoằng Hoá và Hậu Lộc. Chiều ngày 16.4, ông Đinh Quang Dương - Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi - cho PV biết: Diễn biến thời tiết năm nay rất bất thường. Nếu có mưa sớm trong một hai ngày tới thì diện tích lúa bị mất trắng trên toàn tỉnh chỉ khoảng 2.000ha, trời tiếp tục khô hạn thì chưa biết tình hình canh tác nông nghiệp của nông dân sẽ đi đến đâu.

Để khắc phục tình hình hạn hán, trong những ngày qua, huyện Nga Sơn đã huy động hơn 2 vạn lao động nạo vét 60.000m3 đất trên kênh Hưng Long. Ông Mai Bá Luyến - Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn thông báo: Ngày 16.4, trạm bơm Xa Loan đã bắt đầu có nước, cơ bản giải hạn cho khoảng 3.000ha lúa đang "khát nước". Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, Nhà nước cần đầu tư khoảng 300 tỉ đồng để xây dựng đập Lèn thì mới giải quyết được cơ bản vấn đề khủng hoảng nước ngọt cho các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Nga Sơn.