Nhận thức rõ về phát triển kinh tế, nâng cao cải thiện đời sống đang là nhu cầu bức thiết của nông dân, do vậy trách nhiệm của các cấp Hội đóng vai trò quan trọng trong việc phát động các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào SXKDG đồng thời tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân, chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình.
Tổng kết thực tiễn, đưa vào chỉ tiêu thi đua, hàng năm các cấp Hội tổ chức bình xét, tôn vinh các gương điển hình SXKDG, tạo động lực thi đua ở cơ sở. Từ đó nông dân biết tổ chức sản xuất, biết lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi, cái gì nên và không nên, nhạy bén với cơ chế thị trường, sản xuất gắn liền với tiêu thụ sản phẩm. Trước tiên là công tác nắm bắt cụ thể tình hình sản xuất, thực tiễn của từng địa phương, tiến hành khoanh vùng, tìm hiểu nguyên nhân để hỗ trợ vốn cho hội viên cần, nâng cao kiến thức của hội viên thiếu, đưa ra kế hoạch hành động. Thu hút nhân tài, vật lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tỉnh Hội đã chủ động đấu mối và ký kết 29 chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, huy động sức mạnh tổng hợp và tạo nên sự gắn kết toàn dân.
Đối với hội viên các đơn vị miền núi, nguyên nhân của kinh tế chậm phát triển được xác định là do phong tục sản xuất lạc hậu, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, nên việc khẩn trương nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập bằng các mô hình như: Áp dụng phân viên dúi sâu trong sản xuất lúa, hạn chế rửa trôi, xói mòn trên đất dốc; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học trên gia cầm, nuôi dê, trâu bò, trồng cây dược liệu, lâm nghiệp… Khi đã hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, kết quả thu được không ngoài mong đợi, năng suất lao động đều cao hơn trước, nên từ những mô hình ban đầu đã nhân lên rộng khắp ở 11 huyện miền núi, với hàng trăm điểm trình diễn do HND tỉnh và các huyện xây dựng.
Xuất phát từ nhu cầu của nông dân, hàng năm HND các cấp trực tiếp và phối hợp với hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, các nhà khoa học…mở 3.456 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 335.410 lượt hội viên, nông dân; mở 346 cuộc hội thảo đầu bờ cho 16.078 lượt người tham gia. Có kiến thức, nông dân tự tin, yên tâm đầu tư, quy mô sản xuất được mở rộng, nhu cầu về vốn cũng tăng cao, Hội lại là cầu nối đứng ra tín chấp, ủy thác với các Ngân hàng với tổng số dư nợ đến thời điểm hiện nay gần 7.000 tỷ đồng cho 235.903 hộ vay, chiếm gần 12% số dư nợ uỷ thác và tín chấp của Hội Nông dân cả nước. Những hỗ trợ tích cực của Hội đã tạo nên một môi trường tín dụng lành mạnh, nông dân Thanh Hoá được vay vốn đầu tư sản xuất thuận lợi, trả vốn và lãi kịp thời (nợ quá hạn của Ngân hàng NNo&PTNT ở mức 0,07%), hạn chế rất nhiều hiện tượng cho vay nặng lãi ở nông thôn.