00:00 Số lượt truy cập: 3229934

Thanh Hóa: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản 

Được đăng : 03/11/2016

Do có đội tàu khai thác xa bờ công suất lớn, trang bị khá hiện đại nên hàng năm tổng giá trị thu được từ ngành thủy sản của xã Quảng Tiến (thị xã Sầm Sơn) thường đạt khá.


Nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1-4-1959 – 1-4-2009), sáng 28-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm và phát động Tháng Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, huyện, thị ven biển; giám đốc các doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến thủy sản; cán bộ ngành Thủy sản qua các thời kỳ..., đã tới dự.

50 năm qua, ngành Thủy sản Thanh Hóa đã không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu nổi bật trên nhiều mặt, đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh; góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong 8 năm gần đây, kinh tế thủy sản Thanh Hóa đã có bước phát triển khá toàn diện cả về khai thác, chế biến, nuôi trồng và dịch vụ hậu cần nghề cá. Giá trị sản xuất (tính theo giá cố định năm 1994) tăng từ 433 tỉ đồng (năm 2001) lên 850 tỉ đồng (năm 2008), bình quân tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 10,12%. Cùng thời gian trên, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản tăng từ 52,34 nghìn tấn lên 91,68 nghìn tấn, tăng bình quân hàng năm đạt 8,34%; giá trị xuất khẩu thủy sản tăng từ 13,8 triệu USD lên 36,18 triệu USD, bình quân tăng 14,75% mỗi năm.

Khai thác hải sản luôn giữ vai trò quan trọng, năng lực tàu cá ngày càng đáp ứng được yêu cầu. Số lượng tàu cá tăng từ 4.024 tàu (năm 2000) lên 8.505 tàu (năm 2008). Một số tàu cá được trang bị các loại máy hàng hải hiện đại như máy định vị, máy dò cá, máy thông tin liên lạc; công nghệ và phương tiện khai thác ngày càng tiên tiến. Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản những năm gần đây cũng được triển khai quyết liệt và có hiệu quả.

Lĩnh vực nuôi, trồng thủy sản từ năm 1985 đến nay có bước phát triển khá toàn diện trên cả 3 loại hình nuôi: nước mặn, nước lợ và nước ngọt, tạo nên các vùng nuôi tập trung, tỉ trọng sản lượng hàng hóa ngày càng cao. Nhiều mô hình nuôi tôm chân trắng thâm canh, tôm sú, cua xanh bán thâm canh; nuôi cá rô phi, cá lóc, cá rô đồng, cá vược và nuôi hải sản nước mặn vẫn đang được triển khai có hiệu quả.

Đến nay, các cảng cá, bến cá lớn như: Lạch Hới, Lạch Bạng, Lạch Trường, Quảng Nham; các âu tránh, trú bão lớn: Lạch Hới, Lạch Bạng, kênh De đã và đang được đầu tư xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2010. Với tỉnh ta, thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, còn nhiều tiềm năng để phát triển. Mục tiêu đến 2020 của ngành là phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, ổn định để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 của toàn tỉnh phấn đấu đạt 190.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt 90.000 tấn, sản lượng nuôi, trồng đạt 100.000 tấn.

Trong những năm qua, ngành thủy sản Thanh Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Giá trị ngành này trong cơ cấu GDP toàn tỉnh còn thấp; tàu cá còn lạc hậu, tình hình sử dụng chất nổ, xung điện, mắt lưới nhỏ trong khai thác vẫn xảy ra; năng suất, sản lượng trong nuôi trồng thủy sản vẫn còn thấp so với tiềm năng; năng lực sản xuất giống còn yếu...

Tại buổi lễ, Sở NN&PTNT đã phát động Tháng Hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian từ 1-4 đến 1-6-2009.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã phát biểu ý kiến ghi nhận và đề nghị ngành thủy sản tỉnh nhà phát huy truyền thống vẻ vang, lập nhiều thành tích mới trên chặng đường mới. Đồng chí yêu cầu ngành xác định rõ hơn nữa mục tiêu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn với tổng giá trị trên 40 triệu USD mỗi năm. Sở NN&PTNT cần quan tâm hơn nữa công tác nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người nuôi trồng thủy sản; nhanh chóng có một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng đáp ứng được yêu cầu thực tế; chú trọng đào tạo các lớp cán bộ kế cận để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật mạnh...