00:00 Số lượt truy cập: 3227960

Thanh Hoá: đẩy mạnh tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng 

Được đăng : 03/11/2016
Ngày 02 tháng 01 năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Lợi đã chủ trì cuộc họp bàn biện pháp tăng cường tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ.


Tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản để phát triển sản xuất hàng hoá ổn định và bền vững. Sau hơn 4 năm thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động tiêu thụ nông sản theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã đạt được một số kết quả tích cực. Số lượng hợp đồng và khối lượng nông sản hàng hoá tiêu thụ thông qua hợp đồng ngày càng tăng. Phần lớn các nông sản từ vùng nguyên liệu tập trung như mía, sắn đã được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Một số doanh nghiệp, điển hình là Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã quan tâm đầu tư vốn, vật tư, kỹ thuật cho nông dân, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Bước đầu đã hình thành được mối liên kết kinh tế giữa nông dân với các doanh nghiệp chế biến, thu mua nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hoá theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, kết quả thực hiện Quyết định số 80/2002/QQĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Số loại và khối lượng nông sản hàng hoá được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn ít so với thực tế, chủ yếu mới áp dụng đối với các loại nông sản nguyên liệu tập trung. Nội dung, thể thức các hợp đồng tiêu thụ nông sản còn chung chung, mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chưa rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng nên khó thực hiện và khó xử lý trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp. Phần lớn các hợp đồng đều do doanh nghiệp thu mua soạn thảo và ký kết với đại diện của người sản xuất nên nội dung hợp đồng chưa phản ánh đúng lợi ích của các bên, nhất là lợi ích của người sản xuất. Tình trạng không thực hiện hợp đồng còn xảy ra, cả từ phía nông dân và doanh nghiệp thu mua, nhất là các doanh nghiệp tỉnh ngoài.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tồn tại nêu trên là do sản xuất nông sản hàng hoá quy mô còn nhỏ bé, manh mún, phân tán; ảnh hưởng của tư duy bao cấp, sản xuất tự túc, tự cấp trong nông dân còn nặng; công tác phổ biến, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng chưa sâu rộng; các ngành chức năng của tỉnh chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; vai trò của chính quyền địa phương, hội nông dân, các hợp tác xã, hiệp hội trong quá trình đàm phán ký kết và triển khai thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa còn mờ nhạt.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trong thời gian tới, cùng với tiếp tục củng cố, duy trì việc ký kết hợp đồng tiêu thụ các nông sản nguyên liệu tập trung, cần phải mở rộng số loại và khối lượng nông sản hàng hoá tiêu thụ theo hợp đồng; đồng thời khắc phục những vướng mắc, thiếu sót trong đàm phán ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất nông sản. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tổng kết thực tiễn, đề xuất với UBND tỉnh giải pháp đẩy mạnh đổi điền dồn thửa, tích tụ đất đai; Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy hoạch, các cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển mạnh kinh tế trang trại và sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn.

2. Sở Tư pháp phối hợp với các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp đồng kinh tế, về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng để nâng cao kiến thức, ý thức trách nhiệm của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất nông sản trong ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản.

3. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Thương mại và Sở Tư pháp nghiên cứu đề xuất các mẫu hợp đồng thu mua nông sản hàng hoá, đầu tư ứng trước vốn, giống, vật tư, chuyển giao kỹ thuật, đảm bảo cụ thể về quyền lợi và nghĩa vụ, hài hoà về lợi ích của các bên tham gia hợp đồng và chặt chẽ về mặt chế tài để dễ thực hiện và dễ xử lý trách nhiệm khi có tranh chấp.

4. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì rà soát, cụ thể hoá và đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế chính sách khuyến khích ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá; phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, nâng cao năng lực đàm phán, ký kết hợp đồng cho các hợp tác xã nông nghiệp, các nông, lâm trường, các chủ trang trại và hộ nông dân; đề xuất giải pháp xúc tiến hình thành một số hiệp hội sản xuất nông sản hàng hoá để bảo vệ lợi ích cho người sản xuất; chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá, kịp thời phát hiện và đề xuất biện pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo tình hình với UBND tỉnh.