00:00 Số lượt truy cập: 3227169

Thanh Hối - Nỗi lo mùa dưa hấu 

Được đăng : 03/11/2016

Tại xã Thanh Hối (Tân Lạc- Hoà Bình) nỗi lo về dịch bệnh hoành hành làm chết không ít diện tích dưa hấu chưa chấm dứt, thì nỗi lo dưa hấu mất mùa, rớt giá làm hàng trăm hộ lao đao, khốn đốn.


Ông Bùi Văn Dừng, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hối cho biết: Những năm gần đây, cây dưa hấu trở thành giống cây thoát nghèo, vươn lên làm giàu của nhiều hộ trong xã. Vụ dưa năm 2007, toàn xã trồng được 60 ha. Thời kỳ đầu, dây dưa được trồng vươn lên xanh tốt hứa hẹn một vụ bội thu. Nhưng đến thời kỳ ra hoa, đậu quả hàng loạt diện tích dưa mắc bệnh rệp trắng và một số bệnh từ đất không rõ nguyên nhân. Làm cho lá dưa héo dần rồi chết đến phần thân.

Ngay khi dịch bệnh xảy ra, chính quyền xã đã báo lên huyện và nhận được sự chỉ đạo chung chung: bà con chủ động mua thuốc phun chống rệp. Còn là loại thuốc gì cụ thể thì người dân không hề biết. Với tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương", các hộ trồng dưa mua các loại thuốc khác nhau để trị bệnh.

Anh Bùi Văn Chự, Cán bộ Văn phòng UBND xã cho hay: Gia đình anh kịp thời mua thuốc diệt rệp ở huyện Cao Phong, mất tới 3 triệu đồng mới cứu được 1,5 ha dưa đang thời kỳ đậu quả. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, năng suất dưa. Như mọi năm, gia đình anh có thể thu về 25 triệu đồng (trừ chi phí). Năm nay, trừ chi phí đi chỉ còn lãi từ 6- 7 triệu đồng. Tuy vậy, trên địa bàn xã những hộ được như gia đình anh Chự không nhiều. Phần lớn các hộ dân không tìm ra thuốc trị bệnh thích hợp hoặc do tiền đầu tư mua thuốc quá lớn đành để dưa chết dần.

Khi nỗi lo dịch bệnh chưa chấm dứt thì dưa hấu cũng vào mùa thu hoạch. Những năm trước vào thời điểm này đi từ đầu quốc lộ vào xã có thể bắt gặp cảnh xe máy, ô tô của tư thương mua dưa ra vào tấp nập. Năm nay, cánh đồng dưa vắng hơn, chỉ một số mảnh đang thu hoạch, còn lại là ruộng bỏ không hoặc lỏng chỏng vài quả dưa "bi" trên đất. Trên cây cầu Thanh Hối II ven đường quốc lộ, dưa hấu được bầy la liệt chờ người mua. Anh Bùi Văn Hư, xóm Nen cho biết: Mọi năm, đầu vụ giá bán dưa là 3.500 đồng/kg, cuối vụ cũng bán được 1.800 đồng/kg. Năm nay, thời gian ngắn đầu vụ bán 3.000 đồng/kg, đến nay dưa đẹp bán chọn cũng chỉ được 2.000 đồng/kg. Năm nay, đầu tư cho cây dưa cao hơn lại gặp cảnh mất mùa, rớt giá. Đó là chưa kể đến tư thương chỉ chọn những quả mã đẹp trung bình từ 2- 4 kg, mà dưa bị dịch bệnh phần lớn là dưa "bi", quả nhỏ khó bán. Tuy vậy, anh Hư vẫn thở phào: gia đình tôi chỉ trồng 1.000 m2, chết vì rệp trắng 500 m2. Đầu tư trên 1 triệu đồng, thu hoạch cả vườn chỉ được 800 nghìn đồng, nhưng "trồng ít lỗ ít", cũng may hơn nhiều hộ diện tích lớn lại mất trắng.

Theo hướng anh Hư chỉ, chúng tôi đến nhà anh Bùi Văn Thắng, xóm Nen I. Ngôi nhà được Chương trình 134 hỗ trợ cùng tiền tích cóp phần lớn từ tiền bán dưa vừa mới hoàn thành. Vụ dưa năm nay, gia đình anh vay ngân hàng 6 triệu đồng cộng với 2 triệu đồng tự bỏ đầu tư trồng 3.000 gốc dưa với hy vọng sẽ có thu nhập cao hơn. Nhưng dịch bệnh từ đất không rõ nguyên nhân đã làm chết toàn bộ diện tích dưa. Bây giờ biết lấy tiền đâu để trả ngân hàng ? Gia đình ông Đặng Xuân Hoà, xóm Tân Tiến vụ dưa này thua lỗ đến hàng trăm triệu đồng...

Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết: trồng dưa hấu ở xã Thanh Hối chủ yếu mang tính tự phát. Từ một số hộ ở tỉnh Ninh Bình lên thuê đất trồng có hiệu quả, người dân học theo mở rộng dần diện tích. Đã trên dưới 10 năm, nhân dân trong xã trồng dưa, năm được năm mất, nhưng đây là năm mất mùa nặng nhất. Tuy trồng dưa lâu năm nhưng hầu hết các hộ dân không nắm được đầy đủ quy trình kỹ thuật mà chỉ từ kinh nghiệm bản thân. Do cây dưa được trồng lâu năm trên một diện tích thì việc phát sinh dịch bệnh là điều khó tránh. Khi dịch bệnh xảy ra, người nông dân không có cách điều trị kịp thời và hiệu quả dẫn tới diện tích dưa chết lớn. Hiện nay, cùng với nỗi lo mất mùa, rớt giá khiến không ít hộ dân lao đao, khốn đốn thì việc chuyển đổi cơ cấu trồng cây gì hiệu quả thay thế đang là bức xúc lớn của bà con Thanh Hối.