Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, nhiều vùng chuyên canh rau của huyện Thanh Trì (Hà Nội) bị thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền cùng nỗ lực của bà con nông dân, những cánh đồng đã xanh trở lại.
“Hạ sốt” rau muống
Theo bà Bùi Thị Uyên, Phó phòng Kế hoạch - Kinh tế UBND huyện, để khắc phục những thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, huyện đã lập thành 4 khu vực: khu vực ven đô, khu vực trọng điểm lúa, khu vực có tốc độ đô thị hoá nhanh và 3 xã vùng bãi. Trên cơ sở đó có hướng chỉ đạo sản xuất và kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Ngoài chính sách chung của thành phố, Thanh Trì còn hỗ trợ “riêng” cho các hộ chuyên sản xuất những mặt hàng "nóng" như: rau muống, thuỷ sản, lúa. Cụ thể, huyện đã hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay ngân hàng cho các hộ nuôi thuỷ sản, hộ nhiều nhất lên tới gần 300 triệu đồng, hộ ít cũng vài chục triệu đồng (với nhiều loại kỳ hạn khác nhau, từ 6 tháng trở lên). Hỗ trợ 50% giá phân bón, giúp hồi phục gần 300ha rau muống; cấp 10,3 tấn lúa giống, trong đó, hộ chính sách và hộ nghèo được nhận 100%. Các hộ nuôi ếch được hỗ trợ 30% tiền mua giống. Cũng theo bà Uyên, nhờ những chính sách hỗ trợ kịp thời, vùng chuyên canh rau muống (Tứ Hiệp) đã bắt đầu cho thu hoạch, giá bán khá cao, 5.000-7.000 đồng/mớ. Riêng xã Vĩnh Quỳnh có gần 50ha rau muống, 20ha mạ chết 100%, thiệt hại trên 120 tấn cá... Hiện xã đã lập xong phương án hỗ trợ, đang chờ tiền đền bù, bà con đang tích cực phục hồi các ruộng rau muống để kịp bán vào đầu vụ. Ngoài ra, xã còn chủ động chuyển đổi 6 mẫu ruộng cao, cấy lúa năng suất thấp ở Hợp tác xã ích Vịnh sang sản xuất đậu tương đông. Trước mắt, mỗi hộ được xã hỗ trợ 10.000 đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2).
Đất bãi “hái” ra tiền
Thiên nhiên ưu đãi cho Thanh Trì 3 xã vùng bãi sông Hồng gồm: Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc. Đây chính là một trong những vùng được quy hoạch trồng rau an toàn (RAT) của thành phố Hà Nội. Nhờ có truyền thống trồng rau nên bà con vẫn giữ được khoảng 30% diện tích rau màu “bình yên” qua đợt rét. Không những thế, xã còn khuyến khích bà con phát triển các loại rau xuân hè như: cà chua, lơ xanh, các loại rau cải, bí, dền, muống... góp phần giảm cơn “sốt” rau cho Thủ đô. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Yên Mỹ, ông Trần Đức Vinh cho biết, sau đợt rét, 100% diện tích rau muống (trên 3ha) của chúng tôi mất trắng, được huyện hỗ trợ 100% giống để trồng lại. Tuy bị thiệt hại nhiều, thời gian thu hoạch chậm nhưng giá bán các loại rau khá cao nên bà con vẫn thu lãi lớn. Ông Vinh cho biết, năm 2005, từ mô hình điểm 7ha, nhờ sự hỗ trợ của huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, đến cuối năm 2007, HTX đã có 50ha RAT, dự kiến đến cuối năm 2008, sẽ nâng lên 80ha với 427 hộ ký cam kết thực hiện sản xuất RAT theo đúng quy định. Theo nhiều bà con trong HTX, ngoài kinh nghiệm trồng rau lâu đời, bà con còn được tham gia nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất RAT do Trung tâm Khuyến nông, Hội Nông dân, Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức. Đầu ra cho sản phẩm cũng hết sức thuận lợi. Các công ty chế biến nông sản lớn cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con. Hiện, rau Yên Mỹ đã có thương hiệu, uy tín trên thị trường nên quan hệ giữa người bán và người mua ngày càng “khăng khít”. Cũng theo ông Vinh, nông dân Thanh Trì nói riêng và nông dân cả nước nói chung hoàn toàn có thể trồng được rau an toàn, chủ động phòng tránh thiên tai, sâu bệnh, thời tiết xấu kéo dài nếu được chú trọng đầu tư và có sự liên kết của các nhà.