Đến nay, 8 xã vùng đồi gò đã xây dựng được 83 trang trại chăn nuôi lợn, gà theo phương pháp công nghiệp đạt giá trị kinh tế cao. Trong đó có 21 trang trại đạt giá trị sản phẩm từ 1 tỷ đến 2,5 tỷ đồng/năm.
Để phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, các xã và hợp tác xã nông nghiệp của thành phố đã tạo điều kiện cho hộ sản xuất dồn điền đổi thửa, thuê đất xây dựng các khu chăn nuôi lớn; đồng thời chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi mới và củng cố mạng lưới thú y cơ sở để chăm sóc và bảo vệ tốt đàn gia súc, gia cầm. Hiện nay, phần lớn các trang trại chăn nuôi qui mô tập trung ở các xã Cô Đông, Xuân Khanh, Sơn Đông, Thanh Mỹ đều nuôi gia công cho các Công ty cổ phần Group Việt Nam, JAFA Indonexia.
Hiện, toàn thành phố có 10 trang trại nuôi lợn với quy mô từ 300 đến 800 lợn nái và từ 600 đến 1.300 lợn thịt 1 lứa. Những hộ chăn nuôi giỏi đạt giá trị sản phẩm khá cao, trang trại nuôi lợn đạt 1,5 đến 2,5 tỷ đồng/năm, lãi từ 100 đến 300 triệu đồng. Ông Phùng Văn Trường, xã Thanh Mỹ nuôi 600 con lợn nái, giống lợn siêu nạc, sau 9 tháng, riêng tiền bán lợn giống được hơn 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 210 triệu đồng. Ngoài ra, một số hộ vừa chăn nuôi lợn nái vừa chăn nuôi đàn lợn thịt qui mô lớn cũng đạt giá trị thu nhập cao.
Các trang trại chăn nuôi gà có qui mô 5.000 con đến 12.000 con/lứa, trung bình nuôi được 4 lứa/năm. Các chủ trại nuôi gia công đều phải chủ động xây dựng chuồng, mua sắm phương tiện dụng cụ chăn nuôi và đầu tư vốn ban đầu từ 300 đến 500 triệu đồng. Những hộ chăn nuôi theo qui mô lớn và ứng dụng kỹ thuật tốt thì sau 2 đến 3 năm là thu hồi được vốn và có lãi. Riêng xã Cổ Đông, Sơn Đông có 37 trang trại chăn nuôi gà và lợn, là những hộ chăn nuôi giỏi có kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm, mỗi hộ đạt mức thu nhập từ 40 đến 200 triệu đồng/năm.
Khu vực hộ chăn nuôi qui mô loại vừa (từ 300 đến 1.000 con gà/lứa, 50 đến 100 con lợn/lứa) luôn chủ động về tài chính và kỹ thuật chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế tương đối cao. Đặc biệt, khu vực chăn nuôi vừa và nhỏ còn là nơi tiêu thụ con giống cho trại chăn nuôi gia công và các trung tâm giống của tỉnh. Trung tâm giống vật nuôi và Chi cục Thú y tỉnh Hà Tây đã phối hợp chặt chẽ với thành phố Sơn Tây tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến 100% hộ chăn nuôi về cách chọn giống, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh nhằm bảo vệ đàn gia súc, gia cầm sạch bệnh, an toàn.