Đứt hơi về giá
Từ giữa tháng 9 đến nay, giá phân bón các loại trên thị trường Hải Phòng lại lên “cơn sốt” sau một thời gian bình ổn. Giá phân đạm u- rê bán tại khu vực trung tâm các huyện Kiến Thụy, An Dương, An Lão là 9.500 đồng/ kg, tại các huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng có nơi giá lên hơn 10 nghìn đồng/ kg; phân bón tổng hợp NPK: loại phân bón lót có tỷ lệ 5 - 10 - 3 có giá bán 12-13 nghìn đồng/kg, chưa kể chi phí vận chuyển. Phân kali nhập khẩu từ Trung Quốc và Philiphin bán lẻ cũng khoảng hơn 15- 16 nghìn đồng/ kg. Phân NPK dao động 12-13 nghìn đồng/ kg. Các loại phân DAP giá cũng ở mức 20-22 nghìn đồng/ kg. So với thời điểm 2 tuần trước, các loại phân bón đã tăng 300- 400 đồng/ kg , và tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm 2007.
Từ cuối năm 2007 đến nay, các loại phân bón liên tục tăng giá. Ví dụ phân lân đã tăng 117%; NPK 5-10-3 tăng 121% ; NPK 16-16-8 tăng 151%, phân urê Phú Mỹ tăng 78%.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao là do giá phân bón thế giới tăng cao. Việt Nam hiện nhập khẩu phân bón chủ yếu từ Indonesia, Nga, khu vực Trung Đông, Trung Quốc (chiếm gần 50%)...đều là những nước có giá phân bón tăng. Trong đó, riêng phân bón của Trung Quốc hiện tăng từ 5 đến 6 USD/tấn so với cách đây 2 tuần. Theo một số công ty chuyên nhập khẩu phân bón ở Hải Phòng, hiện lượng phân bón nhập về Cảng Hải Phòng chậm, do Hiệp hội Tàu biển thế giới không cho phép những tàu có tuổi thọ trên 30 năm tiếp tục hoạt động, dẫn đến thiếu phương tiện vận tải.
Phân bón kém chất lượng "ăn theo" tăng giá
Trong tháng 8, Sở Nông nghiệp- PTNT tổ chức đoàn thanh tra kiểm tra thị trường phân bón tại Hải Phòng. Đoàn kiểm tra 11 đơn vị sản xuất phân bón và 35 cửa hàng đại lý bán phân bón tại các huyện, phát hiện một số đơn vị, doanh nghiệp sai phạm. Đoàn kiểm tra lấy 53 mẫu sản phẩm của 35 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn để gửi đi phân tích. Kết quả có 8 mẫu của 5 công ty sản xuất tại Hải Phòng không đạt chất lượng so với tiêu chuẩn công bố, chiếm hơn 15% số mẫu. Phần lớn là các doanh nghiệp tư nhân, quy trình sản xuất còn thủ công. Ngoài ra, đoàn phát hiện 5 doanh nghiệp sản xuất phân bón vi phạm quy định về đóng gói, nhãn mác như nhãn không có hướng dẫn sử dụng, không có nhãn phụ, ngày sản xuất mờ hoặc không có ngày sản xuất. Điều đáng nói là 100% các hộ kinh doanh phân bón được kiểm tra sử dụng loại cân hết hạn hoặc chưa được kiểm định của Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cân sai quy định.
Nguyên nhân bùng phát nạn phân bón giả, kém chất lượng, theo Hiệp hội phân bón Việt Nam là do giá phân bón tăng quá cao so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp lớn nhưng lại phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu nên không thể chủ động về giá. Nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp đã tìm cách giảm hàm lượng chất có ích trong phân bón để có lãi hoặc làm giả để bán với giá thấp.
Quản lý và xử lý đều thả nổi
Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp- PTNT Vũ Văn Đốc cho biết: “Kiểm tra thị trường gần đây, thanh tra chuyên ngành thường xuyên phát hiện các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm. Tuy nhiên, việc xử lý lại gặp khó khăn do một số quy định pháp lý về phân bón giả, phân bón kém chất lượng và xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh sản phẩm phân bón không đạt tiêu chuẩn lại chưa rạch ròi. Văn bản quy định trong lĩnh vực quản lý phân bón rất nhiều nhưng chưa có một định nghĩa rõ ràng về phân bón giả. Có quy định rất chi tiết phân bón phải có độ ẩm bao nhiêu, kích thước hạt như thế nào, hàm lượng các chất bao nhiêu...thì mới đạt tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu. Nhưng lại thiếu quy định nếu không đạt các tiêu chuẩn tối thiểu đó thì gọi là gì? Hàng giả hay hàng kém chất lượng?". Sự mập mờ trong quy định như vậy khiến cơ quan chức năng rất khó trong việc quản lý, giám sát và xử lý vi phạm. Đặc biệt, cho đến nay, các ngành chức năng cũng chưa có văn bản quy định riêng về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón. Vì vậy, khi phát hiện sai phạm, cơ quan nhà nước khá lúng túng trong việc xử phạt. Bên cạnh đó, việc quản lý phân bón hiện nay còn chồng chéo nhiều cấp, ngành nên hiệu quả quản lý không cao. Ví dụ, Sở Kế hoạch – Đầu tư là nơi cấp giấy phép hoạt động cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; Tổng cục Hóa chất (Bộ Công Thương) lại chịu trách nhiệm quản lý. Hiện nay, Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý sản xuất phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp- PTNT quản lý sản xuất phân bón hữu cơ. Còn việc quản lý thị trường thì nơi giao cho ngành nông nghiệp, nơi lại giao cho quản lý thị trường. Việc quản lý sản xuất, kinh doanh và thị trường phân bón hiện cả 3 ngành cùng quản lý là ngành Công thương, Nông nghiệp- PTNT và Kế hoạch- đầu tư nên càng xuống dưới cấp cơ sở, việc quản lý càng bị thả nổi…